Lao động tự do điêu đứng vì dịch

Thu Hằng
Thu Hằng
13/04/2020 07:44 GMT+7

Tác động của dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động tự do ở các thành phố lâm vào tình cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày.

Nhiều người hy vọng khó khăn của họ sẽ vơi đi phần nào khi ngày 10.4 Chính phủ quyết định bổ sung thêm đối tượng này vào nhóm được hỗ trợ gói an sinh xã hội.

Có quê mà chẳng dám về

Suốt 2 tháng nay, cuộc sống của gia đình anh Đinh Anh Hòa, lái xe Grab ở Q.Long Biên (Hà Nội), gần như đảo lộn vì dịch Covid-19. Cách đây 3 năm, đôi vợ chồng trẻ rời quê Phú Thọ đến Hà Nội làm thuê. Chồng hằng ngày chạy Grab, vợ phụ nấu ăn ở một trường mầm non. Hai vợ chồng chịu khó “cày cuốc” cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt, nuôi 2 đứa con ở TP. Giờ thì cả 4 người đều ở nhà, quanh quẩn trong căn nhà trọ diện tích 16 m2.
Anh Hòa bộc bạch: “Khi mới dịch bệnh, trường học đóng cửa, vợ tôi ở nhà trông 2 đứa. Tôi chạy xe từ 10 - 12 tiếng mỗi ngày, thu nhập 200.000 đồng/ngày, nuôi cả nhà. Nửa tháng nay, lái xe công nghệ cũng phải nghỉ vì dịch, cả ngày không kiếm nổi một đồng. Dịch bệnh mà kéo dài nữa, gia đình tôi chưa biết sống sao”.

Ga Sài Gòn vắng khách, xe ôm và hàng quán lao đao trong đại dịch Covid-19

Có quê mà chẳng dám về, sợ bị đưa đi cách ly, ảnh hưởng đến gia đình ở quê. Chủ nhà trọ thương tình cũng giảm tiền thuê trọ từ 1,5 triệu xuống 1 triệu đồng/tháng. Mấy hôm rồi, có người phát quà từ thiện mì tôm và trứng, chúng tôi đỡ được 2 bữa ăn mỗi ngày

Chị Nguyễn Thị Hoàn (quê Nam Trực, Nam Định)

Trong khi có không ít lao động tự do mất việc đã nhanh chóng trở về quê thì nhiều người vẫn cố gắng bám trụ ở Hà Nội với hy vọng “kiếm được đồng nào hay đồng ấy”. Thế nhưng, dịch bệnh khó lường đã khiến họ lâm vào thế “mắc kẹt” ở TP.
Chị Nguyễn Thị Hoàn (quê Nam Trực, Nam Định, đi nhặt ve chai) kể: “Có quê mà chẳng dám về, sợ bị đưa đi cách ly, ảnh hưởng đến gia đình ở quê. Chủ nhà trọ thương tình cũng giảm tiền thuê trọ từ 1,5 triệu xuống 1 triệu đồng/tháng. Mấy hôm rồi, có người phát quà từ thiện mì tôm và trứng, chúng tôi đỡ được 2 bữa ăn mỗi ngày”.
Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ khiến các lao động tự do lao đao. Chị Nguyễn Thanh Nhàn (quê Thanh Hóa, nhân viên massage một spa trên phố Thái Thịnh, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Nhân viên massage tiền lương thấp lắm, chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng, thu nhập chủ yếu từ tiền “boa” của khách. Đợt vừa rồi khách hàng sợ dịch bệnh không ai dám đến spa, vắng khách, bà chủ cho nhân viên nghỉ việc. Bố mẹ già yếu, mình trở thành trụ cột gia đình, chưa bao giờ tôi thấy gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đè lên vai như lúc này. Chỉ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn, chúng tôi cầm cự ở TP cả tháng nay đuối lắm rồi”.

“Phao cứu sinh” giữa mùa dịch

Nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống người lao động, ngày 10.4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây được xem là “phao cứu sinh” kịp thời giúp hàng triệu lao động vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.
Điểm đặc biệt của gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng dành cho 7 đối tượng, ngoài lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo…, thì nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động cũng được hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19, cần quan tâm và cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy. Những lao động này sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6.
“Trên cơ sở của nghị quyết, Bộ sẽ phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nhóm và đối tượng cụ thể, tập trung vào những công việc cơ bản như người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý); người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe”, ông Dung cho hay.

Cụ bà neo đơn bật khóc nức nở khi không bị lãng quên trong đại dịch Covid-19

Trước lo ngại về việc khó xác định đối tượng lao động tự do, dẫn đến trục lợi chính sách tại các địa phương, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đối tượng lao động này hiện nay là khá rộng, khó điều tra nắm bắt, vì vậy phải bảo đảm đúng nguyên tắc công bằng, hiệu quả, đúng đối tượng bảo đảm ổn định xã hội.
“Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết, các ngành, các cấp, các địa phương phải kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện; thống kê, tổng hợp công khai minh bạch. Đặc biệt, phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội”, ông Lợi nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do Chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường. Trong phạm vi thẩm quyền, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Việc hỗ trợ sẽ hướng tới đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để “độ trễ” trong thực hiện chính sách, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách”.

Gần 18 triệu lao động tự do

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có gần 18 triệu lao động Việt Nam làm các công việc phi chính thức (còn gọi là lao động tự do). Nhóm lao động này thường có đặc điểm là không có hợp đồng lao động, việc làm bấp bênh và thiếu ổn định, thu nhập thấp trong khi thời gian làm việc dài. Việc mất việc làm do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc mất thu nhập mà không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.