Cảnh giác những lời có cánh

15/08/2021 05:41 GMT+7

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn . Thế nhưng, hoạt động lừa đảo, từ bán kit test nhanh Covid -19, lừa đảo xin từ thiện, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng người dùng... khiến nhiều bạn đọc căm phẫn.

Trong bài viết Đủ chiêu lừa trong mùa dịch, Thanh Niên phản ánh hàng loạt ngân hàng liên tục cảnh báo các chiêu trò đánh cắp tài khoản của người dùng vẫn đang diễn ra và vẫn “bẫy” được nhiều nạn nhân. Một hình thức lừa đảo khác cũng khá phổ biến là qua email, đối tượng mạo danh cán bộ ngân hàng đề nghị người tiêu dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để đăng nhập lại tài khoản đã bị khóa hoặc để nhận một khoản tiền thưởng lớn, nộp phí để nhận thưởng. Phẫn nộ hơn, trước nhu cầu tìm mua kit test nhanh Covid-19 qua ứng dụng thương mại điện tử, những kẻ lừa đảo rao bán kit test nhanh Covid-19 với giá từ 300.000 - 800.000 đồng nhưng thực ra là hàng trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Lừa đảo xin từ thiện - một hình thức lừa đảo được nhiều bạn đọc (BĐ) cho là “kinh điển” cũng nở rộ trong mùa dịch.

Trục lợi trên nỗi đau đồng loại

Trước thực trạng mà Thanh Niên nêu ra, nhiều BĐ không khỏi bức xúc: “Thật không thể tin họ có thể làm những việc xấu xa như vậy trong mùa dịch. Xót cho người dân khi cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại khó khăn hơn bởi bọn lừa đảo này”, BĐ Trúc Tùng viết.
Đồng cảm với Trúc Tùng, BĐ Thanh Nga cũng bày tỏ: “Cảm thấy đau lòng cho các nạn nhân, những người trót “nhẹ dạ, cả tin” bị sập bẫy bọn lừa gạt và càng căm phẫn những đối tượng xấu xa”. “Hiện nay, do dịch bệnh nên nhiều thứ bị hạn chế, vì vậy bọn lừa đảo đánh vào tâm lý, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân để lừa gạt. Do đó ngoài việc cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì người dân cũng cần có sự phối hợp bằng cách đề cao cảnh giác, đặc biệt tránh chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, những thông tin “núp bóng” khi chúng ta chưa biết rõ về nó...”, BĐ Thanh Nga đề nghị.
BĐ Lê Hiển không ngần ngại gọi những hành vi xấu xa trên là “tội ác” vì theo BĐ này, trong tình hình dịch bệnh phức tạp nổi lên nhiều tấm gương có hành động, nghĩa cử thật cao cả, rất đáng trân trọng thì vẫn còn một số người có hành vi xấu xí, mất nhân tính, táng tận lương tâm, lợi dụng dịch bệnh... để trục lợi trên nỗi đau đồng loại.

Đừng vội tin !

Để tránh rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo, theo BĐ Thanh Long, do lợi dụng sự phổ biến của các mạng xã hội, thông tin lừa đảo xuất hiện nhan nhản với hình thức này hay hình thức khác. Vì vậy, người dân phải hết sức tỉnh táo khi tiếp cận. Những lời có cánh về ưu đãi lãi suất vay quá lớn, thủ tục vay tiền dễ dàng không mất phí, không cần chứng minh tài chính hay hình ảnh thương tâm của các bệnh nhân, những người có hoàn cảnh bất hạnh được những kẻ lừa đảo cắt ghép... nhằm chiếm lấy lòng thương cảm của người dân từ đó dễ “rút” được tiền từ thiện... đều phải được kiểm chứng, cảnh giác, không vội vàng tin. Đặc biệt, theo
BĐ Thanh Long, người dùng mạng xã hội không nên chia sẻ các thông tin không rõ ràng, vô tình lại tiếp tay cho bọn lừa đảo. Các cơ quan phòng chống tội phạm, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ cao, phải vào cuộc quyết liệt dẹp bỏ tình trạng này, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
“Các hành vi bất nhân, vô lương, ngoài tòa án lương tâm thì pháp luật cũng phải có bản án thật nghiêm khắc cho những đối tượng này”, BĐ Hồng Hải đề nghị.
Mới hôm 10.8, tôi nhận được tin nhắn mời đầu tư tiền mà một ngày lãi tới 30%… Xác định rằng, không có công việc lương thiện nào có lãi nhanh như vậy, tôi đưa ngay tin nhắn đó vào kho tin nhắn rác.
Văn Minh
Đúng như báo viết! Các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao phải phối hợp chặt chẽ quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm... triệt phá những đối tượng, đường dây lừa đảo, đặc biệt là những đường dây có “kịch bản”, quy mô, tinh vi...
Đào Anh Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.