Trên đỉnh đèo Keo Nưa (xã Sơn Kim 1, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) nơi vùng biên giới Việt - Lào, mùa này lạnh đến thấu xương, nhiệt độ ban đêm có lúc xuống dưới 5 độ C. Ngày lẫn đêm, các chiến sĩ Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh băng rừng tuần tra canh gác, quyết tâm chặn dịch Covid-19 ngay từ biên giới.
Siết chặt điểm hở
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) nằm trên đỉnh đèo Keo Nưa, ngay sát biên giới Việt Nam và Lào. Nơi vùng biên viễn có độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển này, mùa hè nắng cháy da, mùa đông sương mù bao phủ lạnh cóng. Dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu tháng 3.2020, Đồn biên phòng (BP) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội BP Hà Tĩnh) gánh thêm nhiệm vụ mới: phối hợp với cán bộ liên ngành kiểm tra y tế tại luồng xuất nhập cảnh và cử lực lượng tuần tra chặn bắt người vượt biên trốn cách ly.
“Tốc độ dịch lây lan nhanh, diễn biến ngày một khó lường. Nếu lơ là để người nhiễm bệnh lọt qua biên giới thì vô cùng nguy hiểm”, thượng úy Tuấn nói và cho biết thêm tội phạm hình sự cũng tận dụng cơ hội này để vận chuyển ma túy và hàng lậu vào nước ta. Chính vì thế, ngoài đơn vị BP đóng tại cửa khẩu, Bộ Chỉ huy Bộ đội BP Hà Tĩnh còn tăng cường quân số từ các đơn vị vùng xuôi lên đây hỗ trợ trấn giữ, siết chặt vành đai biên cương.
Việc ứng trực trên vùng biên ải lúc nào cũng đặt ở trạng thái cao nhất, cả ngày lẫn đêm. Gần 1 năm qua đã có 28 người vượt biên trái phép bị lực lượng chốt chặn phát hiện, bắt giữ. Chưa kể 17 chuyên án với 22 đối tượng cùng tang vật hơn 130 kg ma túy các loại cũng bị các anh tóm gọn.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cho biết gần đây trung bình mỗi ngày đều có hơn 100 người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn từ Lào và Thái Lan về nước, nhập cảnh qua cửa khẩu. Còn tội phạm về ma túy và buôn lậu dịp này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, khiến lực lượng ứng trực làm việc hết sức căng thẳng. “Mùa đông năm nay có phần khắc nghiệt hơn, ở đây nhiệt độ hầu như lên không nổi hai con số. Ban đêm rét buốt vô cùng. Nhưng vì để nhân dân đón xuân bình an, chúng tôi không ngại gian khó”, thiếu tá Hào nói.
|
Những bước chân thâu đêm lạnh
Hôm đến đây, dù đã mặc hai lớp áo dày cộm, nhưng cái lạnh 9 độ C vào chiều đông làm người tôi tê tái. Tôi theo chân thượng úy Võ Đình Quân vào thăm chốt kiểm soát phòng dịch số 1, đặt ở cánh gà bên phải cửa khẩu. Thấy tôi liên tục hít hà trên đường đi vì lạnh, thượng úy Quân cười hiền, bảo: “Hôm nay nhà báo gặp may vì trời hửng nắng, chứ ngày qua thấp hơn. Ban ngày còn đỡ, đêm xuống mới cóng hết tay chân”.
Thượng úy Quân năm nay 29 tuổi, đang công tác tại Đồn BP Lạch Kèn (đóng tại H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đây là lần thứ 3 kể từ khi dịch xuất hiện, anh được điều động tăng cường lên biên giới Việt - Lào. Lần này, anh được cấp trên giao cho chức vụ Trưởng chốt số 1, mới thực hiện nhiệm vụ hơn tháng nay. Ở chốt này, các chiến sĩ BP dựng một lều dã chiến ngay dưới chân núi, rộng chừng 80 m2. Bên trong lán chỉ có mấy tấm ván kê làm giường ngủ, tư trang cá nhân.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào cho biết từ tháng 3.2020 đến nay, số lượng người dân Việt Nam về từ Lào, Thái Lan, Myanmar và Malaysia nhập cảnh qua cửa khẩu được đưa đi cách ly 14 ngày phòng dịch Covid-19 là hơn 18.700 người. Trong đó, số người được đưa vào các khu cách ly tập trung của tỉnh Hà Tĩnh là hơn 10.300 người, số còn lại bàn giao cho các tỉnh khác tiếp nhận cách ly.
|
Vừa đến nơi, tôi chứng kiến từng cơn gió lạnh thốc từ dưới lên va vào tấm bạt, đập phần phật. Chiếc lều dã chiến đã thưng kín hết bốn bên nhưng gió đông vẫn len được vào nơi các anh đóng quân. Thượng úy Quân nhắc tôi: “Nếu tối nay ở lại thì mặc thêm quần áo dày, chứ mùa này nằm trong lều đắp chăn vẫn thấy lạnh đấy. Đêm, mức nhiệt thường xuống dưới 5 độ C”.
Tôi quây quần bên những người lính ăn bữa cơm tối. Hôm nay có khách ghé thăm nên thực đơn “xôm” hơn mọi ngày, gồm: gà xáo, cá kho và cải muối xào. Tất cả món ăn hằng ngày đều do các chiến sĩ thay nhau nấu nướng. Trong bữa ăn, Trưởng chốt Quân phân công luôn nhiệm vụ đi tuần tra cho 15 thành viên của chốt. “Chúng ta sẽ chia thành 3 tổ, thay nhau tuần tra biên giới từ đêm đến sáng. Các đồng chí mặc thêm áo bên trong để giữ ấm”, Trưởng chốt Quân ra lệnh.
Đúng 19 giờ, tôi xin đi cùng 5 chiến sĩ trong tổ đầu tiên lên núi tuần tra. Các chiến sĩ người mang súng, người mang gậy, dùng đèn pin để dò đường hành quân. Những bước chân của người lính đi thâu trong đêm lạnh. Mất chừng 30 phút vượt núi dốc, đoàn cũng đến được lán trực nghỉ chân. Các anh còn phải vượt chừng 2 km nữa mới đến được mốc quốc giới rồi mới quay trở về thay ca.
Trung úy Bùi Đình Tài, 31 tuổi, lấy điện thoại ra dò, báo với cả đoàn nhiệt độ hiện tại là 4 độ C. Lúc này, tôi thấy các đầu ngón chân tay đau nhức. Trung úy Tài dẫn tôi quay về vì quãng đường tuần tra còn lại hiểm trở hơn. 4 chiến sĩ trong tổ tiếp tục hoàn thành nốt quãng đường còn lại. Ánh sáng từ những chiếc đèn pin của tổ đi tuần khuất dần trong rừng cây.
|
Niềm riêng gác lại
Đêm. Tôi được bố trí ngủ lại cùng với trung tá Lê Anh Giáp trong gác trực phía trên núi, rộng chừng 8 m2. Trời rét thấu xương. Ấm nước chè xanh mới om lúc tối giờ đã nguội, lạnh như nước đá. Muốn uống phải nấu lại hoặc rót ra ly thủy tinh hơ trên nồi than đỏ hồng.
Trung tá Giáp nằm giường kế bên, kể với tôi ở vùng biên này ngoài chốt số 1 thì còn có 3 chốt khác, đặt ở vị trí thường phát hiện người vượt biên. Mỗi chốt có từ 15 - 20 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi chiến sĩ được điều động lên đây ít nhất 3 tháng mới được về thăm đơn vị và vợ con. “Anh em ở chốt đều đã có vợ con. Đợt dịch này buộc chúng tôi thường xuyên phải xa nhà. Cũng may ở đây có sóng điện thoại, nên có thể gọi điện về thăm hỏi. Nỗi nhớ cũng được vơi đi”, người lính 47 tuổi tâm sự.
Ở đây người lính nào cũng gác lại niềm riêng để thực hiện nhiệm vụ. Như thượng úy Võ Anh Tuấn phải hoãn cưới vợ để lo phòng dịch, còn Trưởng chốt Quân lúc vợ sinh con đầu lòng cũng không thể có mặt ở cạnh bên.
Tôi chợt tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng vì nghe thấy tiếng lạo xạo. Thượng úy Giáp đã dậy từ trước, đang chuẩn bị tư trang để lên đường tuần tra ca thứ 3. Ngày mới đã lên, người lính biên phòng ở đây lại trải qua 24 tiếng, thay nhau băng rừng canh giữ biên cương chặn dịch.
Bình luận (0)