Mặc dù lãnh đạo tỉnh Gia Lai luôn thể hiện quyết tâm trồng rừng, chống khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ trái phép, nhưng rừng phòng hộ ở Ia Pa (Gia Lai) vẫn đang "chảy máu".
Những chuyến gỗ lậu xuyên đêm
Từ những thông tin được người dân cung cấp, giữa tháng 9.2019, vào vai những phượt thủ lạc đường, chúng tôi xuyên qua những cánh rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Mố (BQL), H.Ia Pa (Gia Lai), tận mắt chứng kiến những cung đường gỗ lậu.
Ngay trong lõi rừng, nhiều mô tô, xe công nông, máy cày độ chế ngang nhiên đưa gỗ từ rừng sâu ra ngoài. Vào sâu trong rừng, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy độ chế chất các khúc gỗ khá lớn chuẩn bị vượt đường rừng. Vào sâu thêm, chúng tôi bắt gặp những cây gỗ lớn trơ gốc.
Cũng trên một cung đường gỗ lậu như vậy, chúng tôi bắt gặp từng đống gỗ nhỏ bị xẻ vuông vức, tập kết sẵn, chỉ chở đi. Điều lạ là chúng tôi không hề bắt gặp một cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nào, trong khi các phương tiện vận chuyển gỗ trái phép đều đi ra con đường ngay xã Ia Kdăm – nơi có Trạm cửa rừng của BQL. Việc vận chuyển gỗ trái phép thông qua con đường liên xã, qua trụ sở UBND xã Ia Kdăm, vẫn diễn ra như chốn không người.
0 giờ ngày 11.9, con đường từ chân cầu bắc qua sông Ba thuộc địa phận xã Ia Kdăm về hướng trụ sở UBND xã Ia Kdăm bỗng rần rần tiếng động cơ. Chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc xe máy độ chế chở gỗ băng qua trạm cửa rừng Ia Kdăm, băng qua trụ sở UBND xã Ia Kdăm.
Trưởng BQL rừng: "Ủa, gớm vậy"
Tiến lại gần một chiếc xe máy chở gỗ gặp trục trặc đang dừng lại ven đường, chúng tôi than thở chuyện bị lạc, hỏi thăm lối đi. Lân la hỏi chuyện, mới biết gỗ đang được chở thẳng vào xưởng của một người tên X.
Một người chở gỗ cho biết: "Một xe gỗ chở từ trong rừng về tới xưởng, ông X. trả 50.000 đồng/xe".
Trao đổi với Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ia Pa Hà Quang Tuyến, ông Tuyến khẳng định: “H.Ia Pa giáp ranh với nhiều huyện, đặc biệt là vùng giáp ranh các xã vùng sâu, vùng xa của H.Kông Chro (Gia Lai) – nơi còn giàu tài nguyên rừng. Thế nên, một số đối tượng lợi dụng vào khu vực này để khai thác rồi dùng xe máy, xe công nông độ chế đưa về H.Ia Pa tiêu thụ”.
Ông Tuyến khẳng định: “Đơn vị luôn phối hợp với các lực lượng chức năng cùng các đơn vị vùng giáp ranh tổ chức tuần tra, truy quét”.
Khi chúng tôi cung cấp cho ông Tuyến hình ảnh, clip cảnh nhiều xe máy, xe công nông độ chế ngang nhiên chở gỗ trong rừng đi ra xã, ông Tuyến lý giải: "Do mùa này bà con người địa phương hết vụ rẫy nên đổ xô đi vào rừng “cưa vài lóng gỗ” về để cải thiện cuộc sống. Chúng tôi sẽ cho anh em nắm lại tình hình”.
Đặt vấn đề chảy máu rừng với đơn vị quản lý rừng, ông Nay Ú, Trưởng BQL rừng phòng hộ Chư Mố, tỏ ra ngạc nhiên. “Ủa, gớm vậy à! Cái này mình mới biết, để mình chấn chỉnh, nhắc nhở lại anh em tuần tra, kiểm tra, nhất là ở cái trạm cửa rừng đó”.
Bình luận (0)