Chi kiểu gì mà huyện nghèo nợ các cá nhân 50 tỉ đồng?

Kim Lan
Kim Lan
18/03/2020 05:54 GMT+7

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên không chỉ ngạc nhiên về số nợ 50 tỉ mà còn về việc kiểm soát chi tiêu tài chính ở Yên Định dường như không được bất kỳ cơ quan chức năng nào 'tuýt còi' kịp thời.

Nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên “vô cùng ngạc nhiên” vì sao trong nhiều năm liền, Huyện ủy và UBND H.Yên Định (Thanh Hóa) chi tiêu vô tội vạ để lâm vào cảnh nợ nần chồng chất với số tiền lên tới khoảng 50 tỉ đồng. Chẳng lẽ việc chi công ở Yên Định không có cơ quan nào kiểm soát?
Như Thanh Niên liên tục thông tin, việc nợ nần của Huyện ủy và UBND H.Yên Định chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Hiện cả ông Thắng và bà Hoa đều đã nghỉ hưu.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo đương nhiệm của UBND H.Yên Định xác nhận hiện cả Huyện ủy và UBND H.Yên Định đang nợ khoảng 50 tỉ đồng. “Huyện nợ từ cán bộ trong cơ quan đến người ngoài cơ quan. Nợ từ tiền sửa xe, mua sắm bàn ghế đến tổ chức tiếp khách, ăn uống…”, vị lãnh đạo này cho biết.

Huyện nghèo, sao lãnh đạo vung tay ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên không chỉ ngạc nhiên về số nợ khổng lồ, mà còn về việc kiểm soát chi tiêu tài chính ở Yên Định dường như không được bất kỳ cơ quan chức năng nào “tuýt còi” kịp thời. BĐ Trung (Bình Thuận) cho biết “không thể tưởng tượng nổi cách quản lý của tập thể, cá nhân ở huyện này”. Còn BĐ Minh Bạch (Cần Thơ) nêu một nghịch lý là “ở chính những nơi còn nghèo, đời sống người dân còn thấp, hằng năm phải nhận nguồn trợ cấp ngân sách từ T.Ư, nhưng cũng là nơi sử dụng ngân sách vô tội vạ nhất. Thật đáng phải suy nghĩ!”. BĐ Lê Nam (Hà Nội) thì thật sự ngạc nhiên khi tiền nợ lại rơi nhiều vào các cuộc “liên hoan, tiếp khách” trong khi “dân còn nghèo mà cán bộ địa phương chi tiêu một cách tùy tiện, bừa bãi, dẫn đến cơ sự này”.
BĐ Chiến Hồ (Thanh Hóa) cảm thấy đau lòng vì một địa phương vẫn đang nhận nguồn phân bổ ngân sách từ T.Ư lại lộ ra cảnh xài sang, mà chi tiêu vô tội vạ vào những khoản không thể hạch toán được. BĐ Người Quê Choa (Thanh Hóa) cũng than rằng không biết những đoàn công tác đến Yên Định học hỏi “huyện nông thôn mới đầu tiên của Thanh Hóa” sẽ học tập được điều gì đây, khi mà nói như BĐ Nguyễn Đức Khuê (Thái Nguyên) là: “Ai sẽ trả cục nợ to đùng ấy? Huyện thì không có mà trả, tỉnh thì cũng không đời nào trả nợ cho huyện đâu”.

Quá nhiều bất thường cần làm rõ

BĐ cauvongxanh (TP.HCM) cảm thấy “lạ một điều là sự việc đã xảy ra, kéo dài khá lâu, mà không có một cơ quan nào xem xét xử lý dứt điểm”. Liệu có những bất thường nào cần làm rõ, trong cả việc cơ quan nhà nước “vay mượn” và các cá nhân “nhiệt tình cho vay mượn”? BĐ Đỗ Phùng (Lai Châu) đặt câu hỏi: “Có hay không động cơ cá nhân khi nhiều người vui vẻ “ứng tiền ăn nhậu” cho huyện ủy và UBND huyện?”. Còn BĐ Nhân (Quảng Ngãi) viết: “Tôi không tin. Chẳng lẽ cán bộ cấp dưới dại đến mức đem tiền cá nhân, tiền gia đình mình đi cho mượn mà không hẹn ngày được trả? Có khi có qua có lại chứ dại làm chi?”.
BĐ Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận xét: “Lãnh đạo mà để xảy ra vấn đề này phải nhận trách nhiệm là hiển nhiên. Nhưng ở góc nhìn khác, tôi nghĩ không phải tự nhiên mà nhiều cấp dưới bỏ tiền túi với số lượng lớn, trong thời gian dài, và nhiều vị trí như vậy. Có lẽ có điều gì đó bất thường phía sau. Lợi ích cá nhân? Giá trị hóa đơn và giá trị thực tế?”.
Một cán bộ huyện có 4 tỉ cho huyện ủy, ủy ban mượn. Lý do vì sao huyện ủy, ủy ban yêu cầu lại đem cho mượn? Quan hệ phụ thuộc ở đây là như thế nào?
Nguyễn Quốc Linh (Đà Nẵng)
Chuyện nghe quá khôi hài. Vậy tiền huyện được quyết toán hằng năm với tỉnh đi đâu hết? Các lãnh đạo ở đây cần phải thanh, kiểm tra ngay!
Phạm Công Bội (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.