Trước đó, Sawaco trình Sở Tài chính kiến nghị về việc cho phép tăng giá bán lẻ nước sạch. Trong văn bản này, Sawaco cho biết giá nước từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh khiến tình hình tài chính của tổng công ty bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện “nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội”.
Sawaco cho hay chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước tăng hàng năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh nước sạch (chiếm 42%). Để bù đắp chi phí tăng cao do trượt giá, các đối tác của Sawaco đều yêu cầu lộ trình giá mua bán sỉ nước sạch tăng định kỳ hàng năm hoặc hai năm.
Cụ thể như Công ty cổ phần BOO nước Thủ Đức giá nước sạch tăng 5%; Công ty cổ phần cấp nước Kênh Đông tăng 6 năm đầu, mỗi năm tăng 5%, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn tăng 5%, Công ty cổ phần đầu tư nước Tân Hiệp tăng 5%/năm, sau đó mỗi 2 năm tăng 7,5%.
Sawaco cho biết từ 2016 - 2018, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỉ đồng/năm.
Trước những áp lực tăng giá nêu trên, Sawaco kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận nguyên tắc việc tăng giá mua bán sỉ nước sạch phải gắn liền với việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch cho người tiêu dùng. Khi giá bán lẻ được điều chỉnh thì hai bên sẽ thương thảo mua bán sỉ nước sạch.
Đồng thời, Sawaco kiến nghị TP.HCM chấp thuận cho đàm phán lại sản lượng và đơn giá mua sỉ nước sạch với các nhà máy xã hội hóa theo khả năng tiêu thụ. Điều này để phát huy khả năng của các nhà máy của Sawaco nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước.
Trước kiến nghị của Sawaco, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp thẩm định phương án giá nước sinh hoạt giai đoạn 2019-2022 của Sawaco trình Thường trực UBND TP.HCM.
Bình luận (0)