Như Thanh Niên số ra ngày 4.5 phản ánh, vấn nạn trục lợi chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất (từ đất lúa, đất trồng cây lâu năm... thành đất ở) để hỗ trợ các gia đình người có công cải thiện nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, qua thanh tra xác định thiệt hại ngân sách khoảng 131 tỉ đồng.
Trong tổng số tiền này, chính sách bị trục lợi tại địa bàn TP.Trà Vinh gây thiệt hại ngân sách nhà nước khoảng 120 tỉ đồng (Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố 13 bị can để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, trong đó có Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh Diệp Văn Thạnh và Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh Trần Trường Sơn).
Trong số 7 huyện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, gồm Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải, có hàng trăm hồ sơ bị trục lợi, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 11 tỉ đồng; thì tại H.Châu Thành xảy ra nhiều sai phạm nhất với hàng chục hồ sơ, số tiền thiệt hại gần 4,7 tỉ đồng cần phải thu hồi.
Văn phòng công chứng “tiếp tay” ?
Kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh xác định có khoảng 100 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, công chức, viên chức của tỉnh này “dính” đến các phi vụ trục lợi chính sách. Nghiêm trọng hơn, có sự câu kết giữa cán bộ, “cò” đất và một mắt xích rất quan trọng khác, đó là văn phòng công chứng để hợp thức hóa hồ sơ trục lợi.
Điển hình nhất, qua kiểm tra 63 hồ sơ tại H.Châu Thành, đa số các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ đều do Văn phòng Công chứng H.Châu Thành (nay là Văn phòng Công chứng Trần Văn Nhanh), Văn phòng Công chứng Công Lý Trà Vinh... đã thực hiện công chứng, chứng thực không đúng theo luật Công chứng năm 2006 (nay được thay thế tại luật Công chứng 2014) về cấp bản sao từ gốc, cấp bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch...
Cụ thể, người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng đã không thực hiện việc ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt người ký chứng thực, công chứng viên. Mặc dù, những người ký công chứng, công chứng viên với nghiệp vụ của mình hoàn toàn có thể nhận ra bản chất của các “hồ sơ phù phép”, nhưng đã công chứng “bừa” để góp phần gây ra các phi vụ trục lợi.
Cũng liên quan đến hàng chục “hồ sơ phù phép” đã “lọt cửa” văn phòng công chứng, Thanh tra tỉnh Trà Vinh “điểm danh” hàng chục “cò” đất, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhà nước ở tỉnh này.
Sai phạm kéo dài nhiều đời lãnh đạo
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại H.Châu Thành, chiêu trò trục lợi chính sách xảy ra trong nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ. Nghiêm trọng nhất, ông Lâm Sáng Tươi, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, trong giai đoạn giữ chức vụ Chủ tịch UBND H.Châu Thành, có đến 13 hồ sơ sai phạm. Trong đó, chịu trách nhiệm người đứng đầu với các nội dung sai phạm của cấp dưới (12 hồ sơ, thiệt hại gần 1,2 tỉ đồng), trực tiếp ký 1 hồ sơ để đối tượng khác lợi dụng gây thiệt hại 423 triệu đồng. Ông Trần Văn Điều, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành, trong thời gian làm Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, trực tiếp ký 26 hồ sơ sai phạm, thiệt hại gần 2,7 tỉ đồng…
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh, và ông Lê Thanh Bình, Bí thư Thị ủy Duyên Hải (cùng nguyên là Chủ tịch UBND H.Châu Thành), còn bị xác định trách nhiệm người đứng đầu đối với các nội dung sai phạm của cấp dưới, với hàng chục hồ sơ, thiệt hại số tiền hàng tỉ đồng.
Hào phóng với “cò”, lạm thu người có công !
Một vấn đề rất đáng nói liên quan đến chính sách dành cho người có công bị trục lợi tại tỉnh Trà Vinh, là trong khi các cán bộ thuộc các bộ phận chức năng từ cấp xã đến cấp huyện tỏ ra dễ dãi, “hào phóng” khi tham mưu, xét duyệt các hồ sơ miễn, giảm thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất do “cò” đất mang đến nộp, thì với một số người có công trực tiếp đi làm hồ sơ lại bị lạm thu, khiếu nại kiểu gì cũng không được giải quyết.
Điển hình trong các trường hợp người có công bị lạm thu, là ông Phạm Văn Xèm (69 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ, H.Càng Long). Ông Xèm là thương binh hạng 3/4, được nhà nước giao thửa đất rộng 65 m2 để cất nhà ở từ năm 1975. Năm 2016, nghe cán bộ xã kêu đi chuyển đổi lên đất thổ cư sẽ được giảm thuế 100% theo quy định, ông Xèm trực tiếp đi làm hồ sơ. “Khi lên huyện, mặc dù tôi giải thích kiểu gì thì bên Chi cục Thuế cũng nhất quyết không nghe và yêu cầu tôi phải đóng 15,4 triệu đồng, tức chỉ giảm 70% chứ không phải 100% như quy định. Nay thanh tra công bố tôi bị cơ quan thuế lạm thu hơn 7,7 triệu đồng, trong khi số tiền đó đối với người thương binh khó khăn như tôi thì đâu có ít ỏi gì”, ông Xèm bức xúc.
Tương tự, ông Đỗ Văn Sớm (65 tuổi, ngụ xã Châu Điền, H.Cầu Kè) là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, thuộc diện được miễn giảm đến 90% tiền thuế phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, khi ông đi làm hồ sơ thửa đất được thừa kế có diện tích 101 m2 ở khóm 8, TT.Cầu Kè, thì bị cán bộ Chi cục Thuế H.Cầu Kè quyết định chỉ cho giảm 80% tiền thuế. Ông Sớm nói: “Trong khi người bị nhiễm độc, tôi cũng bệnh hoạn liên miên, việc kiếm tiền rất khó khăn nên số tiền 8,4 triệu đồng (số tiền bị lạm thu) là lớn lắm. Chính sách hỗ trợ cho người có công của nhà nước rất rõ ràng, nhưng các cán bộ phụ trách thuế tại địa phương lại thực hiện như vậy khiến chúng tôi buồn lắm”.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, tại 2 huyện Càng Long và Cầu Kè có đến 31 người có công được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp đi làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất bị cơ quan thuế lạm thu với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Việc hoàn trả số tiền bị lạm thu là cần thiết, thế nhưng UBND H.Càng Long lại có văn bản gửi Thanh tra tỉnh Trà Vinh cho biết sẽ không trả lại tiền cho những đối tượng chính sách đã bị lạm thu vì làm việc này sẽ rất khó khăn (?!).
Trong khi đó, Thanh tra tỉnh Trà Vinh xác định cùng thời điểm hơn 31 người có công bị Chi cục Thuế H.Cầu Kè và Chi cục Thuế H.Càng Long lạm thu, thì chính cơ quan thuế đã dễ dàng thông qua 12 hồ sơ cho các “cò” đất hưởng cao hơn chế độ quy định, gây thất thoát ngân sách khoảng 3,3 tỉ đồng (H.Càng Long 7 hồ sơ, thất thoát 2 tỉ đồng; H.Cầu Kè 5 hồ sơ, thất thoát khoảng 1,3 tỉ đồng).
Mặc dù gây ra nhiều sai phạm như vậy, nhưng Thanh tra tỉnh Trà Vinh chỉ đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trà Vinh kiểm điểm trách nhiệm đối với các phó chi cục trưởng Chi cục Thuế 2 huyện Càng Long và Cầu Kè đã trực tiếp ký tên xác định sai tỷ lệ thu thuế nêu trên (cho hồ sơ của các “cò” đất hưởng cao hơn chế độ quy định), còn các chi cục trưởng thì chỉ bị liên đới trách nhiệm người đứng đầu.
(còn tiếp)
Chuyển 18 hồ sơ sang cơ quan điều traVề hướng xử lý hậu quả của việc ra quyết định giải quyết 105 hồ sơ phù phép miễn, giảm thuế chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng sai quy định, gây thất thoát hơn 11 tỉ đồng tại 7 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải (nay là thị xã), Thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị các đối tượng trục lợi tự nộp lại tiền vào ngân sách; đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, trường hợp sai phạm lớn phải tiến hành kỷ luật. Riêng với những tổ chức công chứng, công chứng viên đã vi phạm, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị Sở Tư pháp Trà Vinh… nhắc nhở (!).
Đối với các cò đất, chủ đất trục lợi mà không nhận tội, không đồng ý khắc phục thất thoát ngân sách nhà nước, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã chuyển 18 hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh để tiếp tục điều tra xử lý 25 đối tượng (gồm 16 chủ đất và 9 “cò” đất) có liên quan do có dấu hiệu phạm tội hình sự về hành vi trục lợi từ chính sách nhà nước dành cho người có công.
|
Bình luận (0)