Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Vũ Hân
Vũ Hân
15/11/2020 12:50 GMT+7

Lúc 11 giờ 30 phút trưa nay, 15.11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đang được tổ chức bởi Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020.

Ngày 4.11.2020, RCEP đã hoàn tất sau 8 năm đàm phán với 15 thành viên - 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. 
“Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, từ đó ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sau khi hiệp định được ký kết.
Theo Thủ tướng, lễ ký kết “là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới, mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực”. 
Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2012, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia). Đây là FTA được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.  
Hồi tháng 11.2019, Ấn Độ đã chính thức rút khỏi RCEP do các vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là liên quan tới thuế nông nghiệp.
Sau khi Ấn Độ rút khỏi hiệp định, khu vực RCEP có 2,2 tỉ dân, chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Việc ký kết dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời, gửi đi toàn thế giới thông điệp tích cực về việc ủng hộ thương mại đa phương, trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang trở lại tại một số quốc gia.

Campuchia ký kết hiệp định trực tuyến dưới sự chứng kiến của các quốc gia thành viên RCEP

Ảnh Ngọc Thắng

Việc ký kết hiệp định ở thời điểm này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.
Việc ký kết được diễn ra trực tuyến tại tất cả các quốc gia RCEP, theo thứ tự các nước thành viên ASEAN sẽ ký trước (theo thứ tự bảng chữ cái, bắt đầu từ Brunei và kết thúc bằng Việt Nam), sau đó tới các nước đối tác (cũng theo thứ tự chữ cái, bắt đầu tư Úc, kết thúc bằng New Zealand).

Thị trường rộng lớn nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn

Báo cáo về thách thức và cơ hội từ RCEP đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, xét về thương mại, RCEP là cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định là rất lớn.
Đặc biệt, đây cũng là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Úc, Nhật, New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Đặc điểm của chuỗi sản xuất RCEP là bao trùm cả chuỗi sản xuất gần như hoàn chỉnh của nhiều loại hàng hóa như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…, theo VCCI.
Tuy nhiên, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
Không chỉ là chuyện xuất khẩu hàng hóa, gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, cải cách hải quan, mà RCEP sẽ là hiệp định mang tính toàn diện, mở rộng cho tự do đầu tư trực tiếp, thương mại dịch vụ, kể cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, bán hàng điện tử với các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc.
Nếu như EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn, hướng đến thị trường khó tính, đưa ra các điều kiện cao giúp doanh nghiệp nội địa biết tự nâng mình lên, nâng chất lượng hàng hóa lên; thì RCEP là một thị trường mênh mông hơn, nhưng tiêu chuẩn thấp hơn, mà trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.