Việc bố trí kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, sắp xếp tổ chức bộ máy ở Quảng Ninh đang diễn ra thuận lợi, rất khí thế. Thậm chí, nhiều xã nghèo vùng cao có đến 100% đồng bào là người dân tộc thiểu số cũng hăng hái xin được áp dụng mô hình mới.
Điền Xá (H.Tiên Yên, Quảng Ninh) là xã vùng cao vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn và có gần 100% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số. Cứ nghĩ các cán bộ người dân tộc sẽ phải dè dặt và chậm chạp trong việc thay đổi, nhưng xã này lại chủ động “xin” được thực hiện việc kiêm nhiệm chức danh từ rất sớm.
tin liên quan
Tinh gọn bộ máy: Bộ trưởng gửi ‘tâm thư’Rút ngắn quãng đường “nói và làm”
Từ trung tâm huyện Tiên Yên di chuyển thêm khoảng 13km về phía Tây Bắc theo QL4b là đến xã Điền Xá. Đường qua xã giờ được trải bê tông láng mịn chạy qua các cánh đồng thẳng tắp.
Anh Thoóng Văn Thanh, 34 tuổi, dân tộc Dao, Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Tiên Hải, xã Điền Xá cho biết, thôn mình vừa mới họp triển khai xong các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, rất nhanh gọn và rõ nét công việc.
|
“Với phương thức mới này, Bí thư chi bộ ra nghị quyết và cũng sắn tay vào làm luôn cùng bà con, thì bà con mới thấy yên tâm và làm theo. Điều này khác với trước đây, Bí thư chỉ đạo còn người đi thực hiện lại là Trưởng thôn. Nếu Bí thư thiếu sự tương tác, gắn bó với người dân sẽ làm họ thấy nghị quyết của chi bộ xa rời với cuộc sống và thế là họ không làm theo”, anh Thanh nói.
Không chỉ vậy, nhiều vị trí công tác khác ở tổ chức thôn cũng được “tinh” lại, giảm được 30% số người hưởng phụ cấp khi ban công tác mặt trận kiêm phần việc của cựu chiến binh, hội phụ nữ kiêm dân số - y tế… Tuy nhiên tại thời điểm đó, việc kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo mới chỉ dừng lại ở cấp thôn. Và, những người trong cuộc của xã Điền Xá khi đó lại không thể thụ động ngồi chờ.
“Xin” thu gọn tổ chức bộ máy để…thoát nghèo
Công việc chỉ đạo hiệu quả hơn, bộ máy gọn nhẹ hơn, tiết kiệm được chi nhiều hơn ở cả bảy thôn trong xã khi ấy là những điều thôi thúc đội ngũ lãnh đạo xã Điền Xá phải họp bàn với nhau về việc thực hiện kiêm nhiệm chức danh.Trên thực tế, việc kiêm nhiệm chức danh không chỉ đơn thuần là gộp hai chức danh lãnh đạo lại và trao cho một người mà còn đồng thời là việc sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn hơn. Điều đó có nghĩa là nhiều bộ phận sẽ bị thu gọn, tác động không nhỏ đến tâm tư của người trong cuộc.
|
Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Điền Xá, anh Tô Văn Khải kể: “Đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã khi ấy lại 100% có trình độ còn hạn chế; nhưng cũng đã xác định không nên vì những hạn chế trên mà thoái thác xu thế tất yếu của việc kiêm nhiệm chức danh. Trái lại, phải coi đây là một cơ hội để sớm tiếp cận tư duy, phương thức lãnh đạo chỉ đạo theo mô hình mới. Có như vậy mới chăm lo được tốt hơn cho đời sống của bà con, mới lãnh đạo được bà con mình thoát khỏi cái nghèo”.
Tháng 9.2016, Điền Xá đã có Bí thư đồng thời là Chủ tịch xã, xếp thứ 6 trong số 9 xã tiến hành kiêm nhiệm chức danh tại huyện Tiên Yên cho đến thời điểm này. Diện mạo của Điền Xá đã nhanh chóng được khởi sắc. Đến cuối năm 2017, xã này đã chính thức thoát nghèo.
|
Sau Điền Xá, ba xã vùng cao khác còn lại của huyện này cũng xin được thực hiện thu gọn bộ máy, “gộp” chức danh Bí thư chi bộ với Trưởng thôn. Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: đây chính là thể hiện sự đúng đắn của chủ trương kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo. “Nếu không thấy được đây là một việc có lợi cho người dân và cho bộ máy thì các xã trên sẽ không “thi nhau” xin được thu gọn tổ chức bộ máy như thế. Chủ trương đúng đắn thì luôn có sức lan tỏa và lay động cả đến bà con dân tộc thiểu số ở các vùng xa xôi”, ông Diện nói.
Ông Diện vốn là người đầu tiên đảm nhiệm chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch của huyện Tiên Yên. Trước khi huyện này thực hiện kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, ông đang là Chủ tịch UBND huyện. Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên nhiệm kỳ 2015-2020 được tỉnh Quảng Ninh chọn là nơi thí điểm để trực tiếp bỏ phiếu bầu Bí thư Huyện ủy. Với tỉ lệ trên 97%, ông Diện đã trúng cử và chính thức đưa Tiên Yên thành huyện ở đất liền đầu tiên của Quảng Ninh, sau huyện đảo Cô Tô, Bí thư cũng đồng thời là Chủ tịch UBND theo nội dung của Đề án 25.
Từ mô hình thí điểm ở Tiên Yên, Quảng Ninh đã tiến hành nhân rộng ra các 14 huyện thị khác trên địa bàn toàn tỉnh. Qua 3 năm triển khai, đến nay tỉnh này đã có 2/14 huyện và 76/186 xã có Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND; 7/14 huyện và 75/186 xã có Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Toàn tỉnh đã có 1.536/1565 Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố (chiếm 98,15%).
Không chỉ dừng lại ở việc kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo, Quảng Ninh còn tiến hành sắp xếp để giảm đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; các phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương. Cụ thể, địa phương này là đơn vị tiên phong trong cả nước khi thực hiện mô hình bộ phận tài vụ, phục vụ dùng chung đối với các ban đảng, Văn phòng Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; sáp nhập Phòng dân tộc vào Văn phòng HĐND-UBND ở 4 địa phương; sáp nhập Đài phát thanh, truyền hình với Trung tâm văn hóa thông tin hay bộ phận sự nghiệp ở Phòng Văn hóa Thông tin thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin & truyền thông cấp huyện ở 12 địa phương.
Theo phương châm: “Một nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm”, một mô hình mới nữa cũng được Quảng Ninh vận dụng sáng tạo để áp dụng thí điểm đó là: hợp nhất các cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện có tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, Quảng Ninh đã có các cơ quan hợp nhất là Ủy ban kiểm tra – Thanh tra tại 13 huyện, thị; Tổ chức – Nội vụ ở 12 huyện, thị; Tuyên giáo – Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cả 14 huyện, thị; Ban Dân vận – Mặt trận tổ quốc ở 13 huyện, thị.
“Trước khi tiến hành hợp nhất cơ quan, đội ngũ cán bộ của hai bên đã phải được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn chức danh để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Ví dụ: nếu là người của ủy ban kiểm tra thì anh sẽ được cử đi tập huấn để lấy chứng chỉ thanh tra viên, và ngược lại nếu là thanh tra viên thì anh sẽ được cử đi học những quy định điều lệ, quy trình kiểm tra trong đảng”, ông Nguyễn Văn Bích, Trưởng Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra TP.Uông Bí cho biết.
tin liên quan
An Giang tiết kiệm 130 tỉ đồng/năm từ tinh gọn bộ máy 2 vạn cán bộ bị ảnh hưởng quyền lợi nhưng không một ai khiếu nại!
Với cách làm sáng tạo và quyết liệt đó, đến nay, Quảng Ninh đã sắp xếp giảm được bốn đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương, tiết kiệm ngân sách lên đến trên 300 trăm tỉ đồng mỗi năm do giảm khoảng 2 vạn người hưởng lương và phụ cấp thường xuyên và do không phải bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc…góp phần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp công, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Trong cuộc làm việc mới đây giữa Ban Nội chính Trung ương với tỉnh Quảng Ninh, một vị lãnh đạo Ban này tỏ ý thấy làm lạ khi có đến 2 vạn cán bộ bị cắt giảm quyền lợi, thu nhập; sắp xếp lại vị trí việc làm của cả trăm đơn vị như thế mà Trung ương không thấy có một đơn thư khiếu nại hay tố cáo nào gửi lên.
Về điều này, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng chia sẻ: việc tinh giản biên chế đã thấm nhuần đến tư tưởng của từng cán bộ công chức ở địa phương này. Mục tiêu của tinh giản biên chế không phải là ở chỗ giảm được bao nhiêu người cho bộ máy, mà là giữ được bao nhiêu người làm việc hiệu quả ở lại.
“Không ai tự nhiên đẩy ai đó ra ngoài bộ máy, nếu như họ thực sự làm việc hiệu quả”, bà Hoàng chia sẻ.
Bình luận (0)