Chúng ta không thể có được EVFTA và EVIPA chỉ bằng hứa suông và ngụy biện

Vũ Hân
Vũ Hân
12/02/2020 21:56 GMT+7

Phúc đáp quan điểm cho rằng việc EVFTA và EVIPA mang lại việc làm, thu nhập chỉ là ngụy biện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Việt Nam không thể chỉ nói suông để thuyết phục được EU thông qua 2 hiệp định trên .

“Khối lượng công việc rất lớn và chúng ta phải bắt tay vào hành động”

Tối 12.2, ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu tán thành phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) Việt Nam – EU, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp báo để thông báo kết quả trên và kế hoạch hành động sắp tới. “Cao tốc Việt Nam – EU” đã được mở ra, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ chạy trên đó bằng phương tiện gì, theo cách nào.
Vui mừng thông báo thành tựu của 8 năm nỗ lực đàm phán với rất nhiều trở ngại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, 2 hiệp định này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và dân túy đang trở lại trên phạm vi toàn cầu. Thành tựu này cho thấy một minh chứng nữa việc loài người có thể thịnh vượng cùng nhau.
Với riêng Việt Nam, 2 hiệp định có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở cánh cửa kết nối với một thị trường rộng lớn và khó tính hơn, giúp Việt Nam bước thêm 1 bước mới trên con đường cạnh tranh toàn cầu.
Việt Nam cũng cần 2 hiệp định này và sự tác động của nó trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế lên một bước phát triển mới theo chiều sâu thay vì chiều rộng, tinh thay vì thô, chất lượng thay vì số lượng.
Để hoàn thiện những bước pháp lý cuối cùng trước khi 2 hiệp định chính thức có hiệu lực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ nay đến kỳ họp Quốc hội tháng 4, tháng 5 tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ để trình lên Chủ tịch nước trước khi trình ra Quốc.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai ngay việc rà soát, hoàn thiện lại Kế hoạch hành động của Chính phủ để ngay sau khi 2 hiệp định được phê chuẩn thì chương trình hành động cũng được ký ban hành.
“Ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan rà soát ngay để sửa đổi, điều chỉnh khung khổ luật pháp của Việt Nam để đảm bảo sự tương thích với các cam kết. Chúng tôi cũng sẽ triển khai việc cung cấp thông tin để đảm bảo khi chương trình hành động ban hành thì tất cả chúng ta sẽ có cùng 1 quan điểm, 1 sự thống nhất trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện, hướng trọng tâm vào cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và người dân. Tác động nhiều mặt của hiệp định phải được phân tích để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, để khai thác, phát huy tối đa hiệu quả mang lại”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Việt Nam là đối tác đang phát triển đầu tiên ký kết FTA thế hệ mới với EU

Tại buổi họp báo, phóng viên cũng nêu câu hỏi về những quan điểm trái chiều của cả một số nghị sĩ châu Âu và ở Việt Nam, cho rằng những trông đợi 2 hiệp định sẽ tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho người dân chỉ là ngụy biện. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: chúng ta không thể chỉ hứa suông và ngụy biện để có được 2 hiệp định này.
“Tôi cho rằng tất cả chúng ta có thể hiểu rõ điều này, qua thái độ của đa số nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua 2 hiệp định. Trước đó, cả Hội đồng châu Âu và Uỷ ban châu Âu đều bày tỏ sự ủng hộ manh mẽ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở trình độ phát triển của chúng ta, trở thành đối tác của EU, ký các hiệp định tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với các cam kết rất cao ở tất cả các lĩnh vực. Rõ ràng chúng ta không thể bằng ngụy biện hay lời hứa suông để thuyết phục đối tác. Họ có cơ sở để lựa chọn Việt Nam, đặt sự tin cậy vào Việt Nam, để đàm phán, ký kết, thông qua hiệp định với chúng ta”.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, lợi ích kinh tế, thương mại và các lợi ích khác nữa sẽ có sự lan tỏa rộng rãi ra tất cả lĩnh vực khác, mang lại lợi ích cho nhân dân các nước EU và Việt Nam. Đó là điều không ai có thể phủ nhận, bác bỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cũng không quên lưu ý: Vấn đề còn lại vẫn là cách tổ chức thực hiện của Việt Nam để các hiệp định thực sự mang lại lợi ích toàn diện cho người dân, doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU.
“Khi xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn rất thuận lợi về khoảng cách địa lý và cơ cấu thị trường, gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19, đã tác động rất lớn đến thương mại và đời sống của người dân. Bối cảnh này càng giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng nếu chúng ta vẫn đi theo quán tính cũ, sản phẩm cũ, thói quen sản xuất cũ thì chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, cho dù chúng ta có các hiệp định thương mại tự do. Nhiệm vụ trọng tâm tới đây vẫn là mở cửa thị trường, sớm triển khai ngay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thành ngay chuỗi cung ứng với sự tham gia của các DN Việt Nam và các đối tác của chúng ta trong EU”, ông Trần Tuấn Anh đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi “những rủi ro nào có thể ngăn cản việc thực thi hiệp định trên thực tế”, Bộ trưởng Công Thương cho biết: quy trình pháp lý của Việt Nam và EU để đưa hiệp định vào thực thi đang đi đến giai đoạn cuối. EU chỉ còn 1 bước pháp lý cuối là thông qua Hội đồng châu Âu và ban hành.
Với Việt Nam thì còn một số công việc để Quốc hội chính thức phê chuẩn vào kỳ họp Quốc hội tới. Không thể nói tuyệt đối về một việc chưa diễn ra, nhưng theo chúng tôi, chúng ta đã vượt qua những bước đường khó khăn nhất, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp cuối cùng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.