Chuyên gia tâm lý chia sẻ cách giảm stress cho người dân vùng dịch Covid-19

14/08/2020 12:50 GMT+7

Qua Báo Thanh Niên, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hằng Phương (ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ những cách giúp người dân cân bằng tâm lý giữa đại dịch Covid-19 .

Tiến sĩ (TS) Hằng Phương cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 diễn ra tại Đà Nẵng và các địa phương phát sinh những vấn đề về tâm lý. Việc thay đổi thói quen đã ảnh hưởng đến quy luật trật tự vốn có của con người. Trong phạm vi xã hội, thay đổi thói quen của cả một cộng đồng, nhất định sẽ gây ra những xáo trộn lớn, nếu kéo dài sẽ gây ra căng thẳng, lo âu, thậm chí có thể là trầm cảm.
“Mọi việc đình trệ, trở lại trạng thái như 3 tháng trước cùng với việc đối mặt hằng ngày với các ca nhiễm Covid-19 tăng cao, tình hình phức tạp, áp lực hơn. Áp lực mất việc, giảm lương, tự cách ly trong nhà có thể có tác động tâm lý đến tất cả mọi người với những mức độ khác nhau”, TS Hằng Phương, nói.
Trong các gia đình, trẻ em không có người chơi cùng, chỉ "gắn" với tivi, điện thoại. Vợ, chồng vẫn phải tiếp tục công việc online gắn với máy tính, điện thoại sẽ dễ cáu gắt hơn khi công việc bị ảnh hưởng, đình trệ. Người già nhiều âu lo hơn. Các tương tác tích cực dần thay thế cho những quát mắng, xung đột. Những mâu thuẫn gia đình nho nhỏ và cộng dồn...
* TS có thể gợi ý sử dụng thời gian cách ly xã hội hiệu quả, giúp người dân vùng dịch cân bằng tâm lý ?
- Dịch Covid-19 xảy ra là điều bất đắc dĩ và chúng ta cần sáng suốt, bình tĩnh để "biến nguy thành cơ”, nhìn nhận những điều tích cực từ những sự kiện đang xảy ra hằng ngày. Vì thế, xin chia sẻ một số gợi ý, bắt đầu từ những thay đổi trong suy nghĩ.

Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để dạy con làm việc nhà cũng được nhiều gia đình hướng đến

ẢNH: T.P

Ví dụ, thay vì cảm thấy căng thẳng với con cái thì cảm thấy may mắn vì mình có thời gian bên con, quan sát con chơi, con cười; thay vì cảm thấy mệt mỏi với công việc đang phải hoàn thành thì cảm thấy may mắn vì mình còn có công việc để làm; thay vì cảm thấy hoang mang với nguy cơ mình bị lây nhiễm thì cảm thấy may mắn vì mình đang bảo vệ cho những người khác bằng việc mình đang tự cách ly…

Người dân khu vực cách ly, phong tỏa vì dịch rất cần được hỗ trợ để cân bằng tâm lý

ẢNH: HOÀNG SƠN

Tiếp đó là sự thay đổi trong hành động. Như chọn một hình thức luyện tập thể thao, xem phim, nghe nhạc, đọc sách hay việc liên lạc lại với những người bạn cũ, thầy cô, đồng nghiệp; Làm điều mình yêu thích (may/nấu ăn/ đan lát/ làm bánh…); Chơi với con hoặc nếu có niềm tin tôn giáo thì tìm hiểu sâu hơn về đức tin…
* TS có lời khuyên gì với nhóm những người nghi nhiễm ở các khu cách ly tập trung ?
- Thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm sẽ rất căng thẳng. Nỗi lo lắng về việc có thể bị nhiễm bệnh, về nguy cơ cho những người liên quan là không thể tránh khỏi. Áp dụng “nguyên tắc” thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành động, những người đang ở khu cách ly có thể tự tạo tư duy tích cực rằng mình đang ở nơi an toàn và ít nhất là nếu có bị Covid-19 thì mình đang không lây cho người khác. Tin tưởng rằng đội ngũ y bác sĩ đang là những "chiến binh" tuyệt vời nhất để hỗ trợ chúng ta.

Những món quà động viên của người dân gửi y bác sĩ là liều thuốc tinh thần vô giá giúp họ vượt qua khó khăn và áp lực

ẢNH: Đ.N

Món quà động viên từ vùng dịch của người dân

ẢNH: HAN

Ngoài ra, hãy hành động tích cực như tập thể dục hằng ngày, đọc sách, trò chuyện với người thân qua các kênh gián tiếp; hoặc liên lạc với các đơn vị tham vấn tâm lý để có thể được hỗ trợ kịp thời cũng là cách tự tạo thêm năng lượng trong mùa dịch Covid-19...

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.