Có hay không việc dàn dựng, hình sự hóa quan hệ dân sự?

Thái Sơn
Thái Sơn
13/08/2019 05:43 GMT+7

Ngày 12.8, Công an Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thông tin với báo chí về vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại lô TH1, khu đô thị mới Cổ Nhuế (P.Cổ Nhuế 1).

Trung tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó trưởng công an Q.Bắc Từ Liêm, cho biết ngày 9.8, Cơ quan CSĐT công an quận này khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam thời hạn 51 ngày đối với ông Đỗ Văn Hà (65 tuổi, ở Thái Bình) và bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi, ở H.Thường Tín, Hà Nội) cùng về hành vi chống người thi hành công vụ.

Phạm tội bắt quả tang

Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 2.8, Công an P.Cổ Nhuế 1 và Công an Q.Bắc Từ Liêm tiếp nhận trình báo của 2 công dân về việc bị một nhóm người của bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TDS, bắt giữ tại lô TH1 khu đô thị mới Cổ Nhuế. Công an Q.Bắc Từ Liêm và các ban, ngành, đoàn thể P.Cổ Nhuế 1 có mặt tại hiện trường lô TH1, nhưng nhân viên bảo vệ không cho mở cửa, dù đã vận động thuyết phục. Do tính cấp thiết của tin báo, lực lượng công an đã cắt khóa vào giải quyết. Trong quá trình cắt khóa, bà Vũ Thị Liên (60 tuổi, trú tại H.Thanh Trì, Hà Nội) đứng phía trong chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hồng bốc cát ném vào mắt lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đang làm nhiệm vụ cắt khóa.
Lực lượng công an quận đã bắt giữ hai bà Liên, Hồng. Trong quá trình bắt giữ hai người này, ông Hà đã chửi bới đe dọa lực lượng công an làm nhiệm vụ, nên công an quận đã bắt giữ ông Hà; kiểm tra trong túi quần ông này có một con dao dài khoảng 25 cm. Cùng lúc, con bà Trần Kim Phương là Nghiêm Nhật Anh chạy đến dùng điện thoại quay video, đồng thời chửi bới, cản trở lực lượng công an đang thi hành công vụ, nên công an đã bắt giữ Nhật Anh và đưa những người này về trụ sở công an quận để giải quyết. Mặc dù xác định Nghiêm Nhật Anh có hành vi không hợp tác, không làm việc với cơ quan chức năng, nhưng công an quận đã ra quyết định thả tự do người này và bà Liên.
Theo Công an Q.Bắc Từ Liêm, sau khi phá khóa đã “giải cứu” được 4 người, gồm: Nguyễn Hồng Linh, Tăng Văn Lương, Nguyễn Quý Hưng và Nguyễn Văn Dũng. Những người này đều là nhân viên của bà Lê Thị Bích Dung, Phó giám đốc Công ty TDS. Theo trung tá Nguyễn Bình Ngọc, việc khởi tố những bị can chống người thi hành công vụ này là thuộc trường hợp phạm tội bắt quả tang; cơ quan công an sẽ tiếp tục xem xét những người còn lại.

Tranh chấp

Trái với thông tin từ Công an Q.Bắc Từ Liêm cung cấp, từ ngày 3.8, bà Trần Kim Phương có đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng tố cáo Công an Q.Bắc Từ Liêm lạm quyền, tạo hiện trường giả vụ bắt cóc con tin để phá cổng cơ sở tư nhân, can thiệp mâu thuẫn tư nhân theo hướng hình sự hóa vấn đề dân sự.
Theo bà Phương, Công ty TDS VN do bà Nguyễn Thị Minh Tín làm giám đốc; bà Trần Kim Phương là chủ tịch HĐQT; bà Lê Thị Bích Dung là phó giám đốc, cùng hợp tác đầu tư xây dựng dự án hệ thống trường học tại khu đất NT, TH1, TH2, khu đô thị mới Cổ Nhuế. Từ 2016, các cổ đông đã ký hợp đồng thỏa thuận phân chia quyền quản lý, sử dụng các khu đất trong dự án. Theo đó, nhóm cổ đông bà Trần Kim Phương quản lý khu đất NT, TH1; nhóm cổ đông bà Lê Thị Bích Dung quản lý, sử dụng lô đất TH2. Giữa 2016, bà Dung và bà Phương thỏa thuận hợp tác xây dựng trường học trên khu đất TH1. Tuy nhiên, quá trình hợp tác xảy ra tranh chấp; bà Phương đã khởi kiện bà Dung ra tòa. Tháng 3.2019, TAND Q.Bắc Từ Liêm đã thông báo thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế.
Về vụ việc xảy ra sáng 2.8, bà Phương trình bày, khu đất TH1 đang thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của mình, nhưng do tranh chấp nên người của bà Dung đã sang khu đất TH1 để “cố thủ”. Bà Phương cung cấp bằng chứng rằng, từ 29.7 đã đề nghị công an đưa 2 người là nhân viên của nhóm bà Dung ra khỏi khu đất TH1, nên không vì lý do gì lại có vụ bắt giữ người. Bà Phương cũng trích xuất camera an ninh thể hiện khu đất TH1 có 3 cổng sắt, chỉ có cổng số 1 đóng, 2 cổng còn lại đều mở và mọi người có thể ra vào, nhưng cơ quan công an cố tình cho lực lượng cắt khóa cổng (?). Mặt khác, trước thời điểm lực lượng chức năng xuống hiện trường, công an phường gọi cho bà nhưng không thông báo chi tiết sự việc. Từ đó, bà Phương cho rằng hoạt động công vụ của lực lượng chức năng Q.Bắc Từ Liêm thiếu minh bạch, phục vụ cho ý đồ của người khác (?).
Trả lời câu hỏi Thanh Niên, trung tá Nguyễn Bình Ngọc xác nhận, vụ án nêu trên là hậu quả của việc tranh chấp cá nhân. Cả hai bên đã gây ra 20 vụ việc phức tạp. Theo ông Ngọc, quá trình thực thi công vụ có nhiều đơn vị chức năng tham gia, có cả Viện KSND và thực hiện đúng trình tự pháp luật.
Tại buổi họp báo, nhiều PV đặt câu hỏi động cơ của vụ bắt giữ người trái phép là gì, tại sao vụ việc nghiêm trọng nhưng công an chưa thực hiện biện pháp tố tụng... Tuy nhiên, ông Ngọc nói thông tin trong vụ việc này còn nhiều tài liệu nhưng đang trong quá trình điều tra nên chưa công bố; đồng thời cho biết thời gian tới sẽ làm việc với các bên để thu thập củng cố thông tin tiếp tục xử lý.  
Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ
Liên quan đến vụ việc, ngày 9.8, Văn phòng Chủ tịch nước cho hay đã nhận được đơn của bà Trần Kim Phương tố cáo Công an Q.Bắc Từ Liêm thực hiện các hành vi trái pháp luật, trấn áp, tự ý phá khóa, bắt giữ người, gây thiệt hại về danh dự tài sản công dân. Sau khi xem xét, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đơn đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật, trả lời bà Phương và thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước kết quả giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.