Công chức, nhân viên văn phòng được giảm 30% giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Vũ Hân
Vũ Hân
09/04/2019 11:11 GMT+7

Sáng 9.4, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc chi mỗi năm 14,4 tỉ đồng trợ giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông .

Theo đó, HĐND TP.Hà Nội đã quyết định áp dụng mức hỗ trợ 100% giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho 3 đối tượng là người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi.
Học sinh, sinh viên, người lao động các khu công nghiệp, người cao tuổi sẽ được hỗ trợ 50% giá vé.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể sẽ được hỗ trợ giá vé 30%.
Trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà đông bắt đầu khai thác thương mại, 100% khách đi tuyến này sẽ được miễn phí vé.
Với giá vé bình quân trên toàn tuyến là 10.180 đồng (cự ly 5,3 km), Hà Nội ước đối tượng ưu tiên chiếm 12% tổng số hành khách, tương đương mức hỗ trợ 14,46 tỉ đồng mỗi năm.
HIện vẫn chưa chốt thời gian đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành Ảnh Ngọc Thắng
Về giá vé, như Thanh Niên đã đưa tin, giá mở cửa là 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng/km.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường, giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông cao hơn khoảng 1,57 lần vé xe buýt, nhưng vẫn là mức hợp lý, vì tốc độ nhanh hơn 2,1 lần.
Cũng theo ông Trường, vé tàu Cát Linh - Hà Đông có 3 điểm mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam:
Thứ nhất là lần đầu tiên áp dụng giá vé theo chặng, thay vì vé toàn tuyến, để đảm bảo quyền lợi của người dân theo nguyên tắc đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Thứ hai, đây là lần đầu tiên không định danh trên vé tháng (đồng nghĩa với việc nhiều người có thể sử dụng một vé, vì Hà Nội muốn khuyến khích càng nhiều người sử dụng đường sắt đô thị càng tốt), ngoại trừ vé ưu tiên cho học sinh, sinh viên, người già sẽ có định danh (dán ảnh trên vé).
Đáng chú ý, vé tháng của tuyến này sẽ tính từ ngày mua đến hết 30 ngày sau, chứ không tính như vé xe buýt, tức là người dân có thể mua vé vào bất cứ ngày nào trong tháng, mà không sợ bị thiệt.
Thứ 3 là có bán vé ngày (không hạn chế tuyến và số lần đi lại) với mức giá bằng 2 lần vé toàn tuyến, do qua khảo sát, 97% người dân cho biết họ sẽ đi thử trước khi quyết định có sử dụng đường sắt trên cao không.
Về thời điểm chính thức vận hành tuyến này, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội bày tỏ hy vọng cuối tháng 4 có thể thử nghiệm chở khách.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD. Chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.