CSGT có được truy đuổi người vi phạm không?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
27/02/2019 11:26 GMT+7

CSGT có quyền truy đuổi trong trường hợp phát hiện tội phạm hoặc người đó có hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông

Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 14 giờ 30 ngày 24.2, hai cô gái (cùng 16 tuổi) không đội mũ bảo hiểm chở nhau trên xe máy BS 59Y2 - 326.14, lưu thông trên đường Trung Lập (xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi, TP.HCM) thì gặp tổ tuần tra của CSGT H.Củ Chi. Do sợ bị xử phạt nên hai cô gái rồ ga bỏ chạy với tốc độ cao dẫn đến mất lái và tông thẳng vào một nhà dân gần đó. Hậu quả, người cầm lái tử vong, người ngồi sau bị thương nặng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc giả sử trong trường hợp CSGT khi thấy người vi phạm giao thông có quyền rượt đuổi hay không?

Phải đảm bảo 3 yêu cầu

Trả lời PV Thanh Niên, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT - Bộ Công an, cho biết theo quy định tại thông tư 01 năm 2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư 02 năm 2016 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông thì CSGT được quyền dừng xe người vi phạm để kiểm tra xử phạt.
Tuy nhiên, CSGT phải đảm bảo 3 yêu cầu đó là: dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn đúng quy định pháp luật; không cản trở đến hoạt động giao thông; khi dừng phương tiện phải kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo quy định.
"Trong trường hợp cần phải ngăn chặn hành vi vi phạm thì căn cứ vào quyền hạn của CSGT thì tổ trưởng tuần tra kiểm soát có quyền báo lên cấp trên hoặc tự mình ra quyết định để đưa biện pháp ngăn chặn để xử lý đúng quy định", đại tá Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại tá Sơn, trong trường hợp truy đuổi tội phạm hoặc hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể gây thiệt hại về tín mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông thì CSGT được quyền truy đuổi. Tuy nhiên, phải đảm bảo an toàn cho người truy đuổi và người bị đuổi. Trường hợp vi phạm hành chính đơn thuần có thể ghi biển số xe và thông báo các chốt trạm CSGT tiếp theo để xử lý.
Đại tá Sơn nhấn mạnh, qua vụ tai nạn đau lòng xảy ra ở Củ Chi nói trên cần cảnh báo việc giao xe máy cho người chưa đủ tuổi điều khiển sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn lớn, đồng thời qua điều tra cũng cần xem lại trách nhiệm các bậc phụ huynh giao xe con em mình lái xe khi chưa có bằng lái, gây nguy hiểm.

Chưa có quy định cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm

Liên quan vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) lại có ý kiến khác. LS Trang cho rằng hiện nay chưa có quy định cụ thể của pháp luật về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm luật giao thông mà chỉ có quy định cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn theo điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 và Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA.
LS Trang phân tích, việc CSGT truy đuổi chỉ diễn ra khi người nào đó có dấu hiệu tội phạm hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi truy đuổi phải bảo đảm nguyên tắc an toàn cho người bị truy đuổi và những người đang tham gia giao thông trên đường.
Theo LS Trang, giả sử khi CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra để xác định được nguyên nhân vụ tai nạn để xác định được có hay không trách nhiệm của CSGT và người vi phạm để xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.