Sáng 22.4, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên toà sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm.
Ông Vũ Huy Hoàng lần thứ 3 hầu toà trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; và "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại Bộ Công thương và liên quan đến khu đất vàng 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM. Phiên toà dự kiến diễn ra trong 1 tuần (22-29.4) kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Theo ghi nhận, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến toà sớm hơn các bị cáo khác. Bước xuống xe, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong trang phục chỉnh tề, xách cặp da khoan thai đi từ cổng vào sân toà. Khi đến bậc thang, luật sư liền sáp gần thân chủ đỡ lấy tay, ra sức dìu bị cáo bước vào, trong khi cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thể hiện sự yếu ớt, khó nhọc khi bước.
|
Trong phần kiểm tra căn cước, đúng 8 giờ 30 phút, phiên toà bắt đầu. Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND Tối cao và kiểm sát viên của Viện KSND TP.Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa này.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xưng tôi, chống hai tay lên bục khai báo và trả lời rành mạch từng câu hỏi của chủ toạ.
Cuối phần trình bày, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói bản thân đang mắc rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh hiểm nghèo; đã chấp hành các quy định, cố gắng hết sức đến tham gia phiên tòa. Bị cáo Hoàng xin được phép dùng thuốc và có sự hỗ trợ y tế lúc tham dự phiên toà. Trong quá trình xét xử, bị cáo Hoàng xin HĐXX được phép ngồi, trừ trường hợp bắt buộc phải đứng, và xin được dùng thuốc, khi cần xin được hỗ trợ y tế.
Trước đề nghị này của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, chủ tọa phiên tòa cho biết quá trình xét xử, HĐXX sẽ xem xét vấn đề của bị cáo.
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 18.1 bị hoãn, bị cáo Vũ Huy Hoàng cũng đưa ra đề xuất tương tự với HĐXX.
|
Cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín xin xử vắng mặt
Theo thông báo của HĐXX, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín không đến toà và đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Chủ toạ sau đó đã công bố lý lịch bị can.
Đại diện Bộ Công thương có ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp, đến tham dự toà theo giấy uỷ quyền của Bộ trưởng. Trong vụ án này, Bộ Công thương được xác định là nguyên đơn dân sự.
HĐXX còn thông báo đã triệu tập nguyên Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải với tư cách là nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, song ông Hải vắng mặt.
Lúc 9 giờ, sau hơn 30 phút làm thủ tục, HĐXX tạm nghỉ để hội ý, nhưng sau đó liền tiếp tục phiên toà với phần đọc cáo trạng.
Trước đó, TAND TP.Hà Nội đã 2 lần đưa vụ án này ra xét xử, lần lượt vào các ngày 7.1 và 18.1. Tuy nhiên, tại phiên xử ngày 7.1 đã vắng mặt 3 bị cáo; một số luật sư bào chữa, đại diện giám định viên Bộ TN-MT cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa ngày 18.1, bị cáo Nguyễn Hữu Tín cũng có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế… Ngoài ra, còn vắng mặt giám định viên Bộ TN-MT; vắng mặt 13 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hội đồng xét xử cho rằng việc vắng mặt của những người này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên đã quyết định hoãn phiên tòa.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2016, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; cùng Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), có các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục cho dự án, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, cho doanh nghiệp tư nhân liên doanh để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000 m2 - là tài sản nhà nước, sang tài sản tư nhân trái pháp luật.
“Hành vi của Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm đã vi phạm quy định pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.723 tỉ đồng”, cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ.
|
Bình luận (0)