Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm lĩnh án 10 năm tù

12/12/2020 17:24 GMT+7

Chiều 12.12, TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm , cựu Giám đốc CDC Hà Nội , lĩnh án 10 năm tù.

Sau 3 ngày xét xử, chiều nay, 12.12, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3 điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng.
Theo đó, mức án HĐXX sơ thẩm dành cho các bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội như sau: Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc, 10 năm tù (trước đó bị đề nghị mức án 10 - 11 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán: 6 năm 6 tháng tù (bị đề nghị 7 - 8 năm tù).
Bị cáo Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng: 36 tháng tù, được hưởng án treo (bị đề nghị 2 - 3 năm tù).
Bị cáo Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính kế toán: 36 tháng tù, được hưởng án treo (bị đề nghị 2 - 3 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính: 6 năm tù (bị đề nghị 5 - 6 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ: 5 năm tù giam (bị đề nghị 5 - 6 năm tù).
Mức án đối với 4 bị cáo còn lại như sau: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST), 6 năm 6 tháng tù (bị đề nghị 7 - 8 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành: 6 năm tù (bị đề nghị 6 - 7 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech: 6 năm tù giam (bị đề nghị 6 - 7 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông: 5 năm tù (bị đề nghị 5 - 6 năm tù).

Nguyễn Nhật Cảm đã "phù phép" nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 thế nào?

Theo nhận định của HĐXX, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 2.2020, các bị cáo vì động cơ vụ lợi đã thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm. Bị cáo Cảm, với tư cách là Giám đốc CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, bị cáo Cảm không thực hiện quy định trên mà trực tiếp bàn bạc, chỉ đạo các bị cáo khác để gian lận, nâng khống hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen của Cộng hòa Liên bang Đức với giá 7 tỉ đồng, bảo hành 36 tháng. Thực tế, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 này khi nhập khẩu về chỉ có giá hơn 2 tỉ đồng.
Bị cáo Cảm đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại CDC Hà Nội là các bị cáo Thanh, Dung và Quỳnh hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội thuê Công ty Cổ phần định giá và đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu.
Nhóm bị cáo đã ấn định giá thiết bị trước khi chỉ định thầu thông thường. Bị cáo Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước nên cần có mức án nghiêm minh để đủ sức răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung.
Trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở CDC Hà Nội, HĐXX xác định bị cáo Cảm chịu trách nhiệm của người đứng đầu nên phải chịu hình phạt cao nhất. Xét các tình tiết giảm nhẹ cho từng bị cáo, HĐXX xét thấy các bị cáo đều khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong quá trình công tác... nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Do toàn bộ thiệt hại của vụ án đã được khắc phục nên HĐXX đã xem xét áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.