Đà Nẵng phong tỏa: 'Không thể đóng cứng thành phố mãi, phải có giải pháp phù hợp'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
31/08/2021 22:29 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng , đã khẳng định như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng vào chiều tối nay (31.8) và yêu cầu ngành chức năng phải khoanh vùng đỏ chính xác.

Cần phong tỏa đúng quy mô

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết quá trình triển khai xét nghiệm hộ gia đình lần thứ 4 vẫn ghi nhận còn nhiều ca F0 trong cộng đồng. Riêng hôm nay (31.8) có 8 ca F0 thông qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình, 3 ca có biểu hiện ho sốt hoặc những người đang làm nhiệm vụ. Chứng tỏ trong cộng đồng có nhiều ca F0 nhưng vẫn chưa phát hiện.
“Khi phát hiện F0, các địa phương phải khoanh thật chính xác các khu vực nghi ngờ có F0 khác. Việc này rất quan trọng bởi vì chúng ta không thể đóng cứng thành phố mãi được mà tới đây phải xác định rất đúng các vùng đỏ. Phong tỏa đúng để chúng ta có những biện pháp về mặt xét nghiệm, giám sát ở các khu vực này một cách phù hợp”, ông Quảng nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng TP.Đà Nẵng không thể "đóng" mãi, cần khoanh vùng đỏ chính xác để có biện pháp chống dịch phù hợp trong giai đoạn, sau ngày 5.9

HOÀNG SƠN

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết sau ngày 5.9, TP.Đà Nẵng phải tập trung rất nhiều biện pháp trong đó có các vùng đỏ, khu phong tỏa. Nếu phong tỏa không đúng, chệch ra ngoài hoặc đánh giá không đúng tình hình, phong tỏa hẹp quá, TP.Đà Nẵng sẽ không thể nào kiểm soát F0 trong cộng đồng.
“Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng phải cùng với ngành y tế đánh giá việc xác định khu vực phong tỏa đã chính xác chưa, không thể giao cho địa phương. Thực tế cho thấy có những địa phương phong tỏa quá rộng, một số thì phong tỏa quá hẹp. Tôi đề nghị ngành y tế và CDC và giám sát, xác định đúng phạm vi phong tỏa, còn quyền quyết định là của các quận, huyện”, ông Quảng nhấn mạnh.

Sử dụng nhà vệ sinh ra sao khi trong nhà có bệnh nhân Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 12

Giãn dân tại khu chung cư, kiệt hẻm

Đề cập đến tình trạng lây nhiễm trong các khu chung cư, kiệt hẻm, ông Nguyễn Văn Quảng cho hay hiện TP.Đà Nẵng đang đối mặt nguy cơ lây lan, bùng phát nhiều ca F0 tại khu vực này. Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng yêu cầu đối với các kiệt hẻm và khu chung cư, khi phát sinh F0 thì phải xác định các nhà liền kề và nhà xung quanh, hộ gia đình, các hàng xóm liền kề là những F có liên quan. Hiện F1 không chỉ là việc tiếp xúc người với người mà còn là nguy cơ lây nhiễm thông qua con đường không khí, đặc biệt là những nơi yếm khí.
“Tại tầng 2 khu chung cư trên đường Văn Tiến Dũng (có 14 ca nhiễm được công bố vào ngày 30.8 - PV) thì thấy rất rõ chỉ cần một ca nhiễm trên 1 tầng ở chung cư thì cả tầng đó có thể lây nhiễm. Bởi vì chỉ có một đường khí ở 2 đầu chung cư, hành lang chỉ 1,2 m… Vào đó mới thấy được khả năng lây nhiễm thông qua không khí là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Quảng nhận định.

Ở những khu vực chung cư có ca nhiễm F0, lãnh đạo TP.Đà Nẵng yêu cầu cần có biện pháp giãn dân để ngừa dịch lây lan

HOÀNG SƠN

Đây là cơ sở để nhận định những người dân ở nhà liền kề xung quanh đều là F có liên quan, để đưa vào khu cách ly phù hợp. Hoặc địa phương thiết lập một khu mới để dành riêng cho các F có liên quan để giãn dân các khu vực này. Riêng tại khu chung cư trên đường Văn Tiến Dũng, 9 hộ dân còn lại chưa bị nhiễm được chuyển đến nơi khác để tránh nguy cơ lây nhiễm nhau.
Tại các kiệt, hẻm, mặc dù 2 nhà đấu lưng với nhau nhưng khi nhà phía sau có ca nhiễm thì nhà đấu lưng cũng nhiễm. Nguyên nhân là do đường thông khí giữa 2 nhà. Từ thực tế này, ông Quảng đề nghị ngành y tế phải có hướng dẫn để xử lý kịp thời tình trạng có các ca mắc Covid-19 ở các khu chung cư và kiệt, hẻm.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cũng chỉ đạo các quận, huyện rà soát, thành lập mới các khu cách ly với quy mô nhỏ, hạn chế số lượng F1, nhất là số lượng F1 mới bổ sung. Căn cứ tình hình thực tế ở mỗi khu vực để đánh giá nguy cơ của các F1 và các F có liên quan để cách ly hoặc thực hiện giãn cách người dân. Ngành y tế có hướng dẫn chuyên môn để áp dụng trên toàn địa bàn.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng giao Sở Y tế và CDC trên cơ sở kết quả xét nghiệm trong 4 đợt, đặc biệt là đợt thứ 4, để có nhận xét, đánh giá. Chiều mai (ngày 1.9), Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ họp để định hướng công tác phòng chống dịch trong thời gian đến.

Có nên lo lắng vì mất khứu giác, vị giác khi mắc Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 12

Xử nghiêm tình trạng thả rông vật nuôi

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các xã, phường thông báo trong nhân dân và yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về vật nuôi. “Có nuôi vật nuôi thì nuôi trong nhà, nếu thả rông thì sẽ bị thu gom, xử lý. Có nhiều bài báo liên quan vấn đề có thể lây nhiễm dịch qua vật nuôi. Đề nghị chúng ta làm nghiêm”, ông Chinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.