Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.8: Tăng cường phòng dịch trong kỳ nghỉ lễ 2.9

31/08/2021 19:48 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 31.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Ngày 31.8: Cả nước 12.607 ca Covid-19, 10.044 ca khỏi

Bản tin tối 31.8 của Bộ Y tế cho biết tính từ 17 giờ ngày 30.8 đến 17 giờ ngày 31.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.607 ca nhiễm mới, có 10.044 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày.

20 bệnh nền cần được điều trị tại bệnh viện khi mắc Covid-19

Đến thời điểm 18 giờ 45 phút cùng ngày (31.8), Tiểu ban Điều trị (Cục Quản lý khám chữa bệnh) vẫn chưa cung cấp số liệu về số ca tử vong trong ngày. Hiện tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30.8 là 11.064 ca.
Thông tin về 12.607 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 31.8 như sau:
- 16 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 12.591 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 7.231 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.444), Bình Dương (4.530), Đồng Nai (634), Long An (587), Tiền Giang (214), Đồng Tháp (138), Đà Nẵng (123), Tây Ninh (118), Kiên Giang (99), Nghệ An (81), Hà Nội (77), Khánh Hòa (66), Bà Rịa - Vũng Tàu (64), Bình Thuận (59), Cần Thơ (53), Quảng Bình (47), Quảng Ngãi (40), Thừa Thiên - Huế (25), Phú Yên (23), Bình Phước (22), An Giang (17), Đắk Lắk (17), Trà Vinh (14), Bến Tre (13), Hậu Giang (11), Bình Định (8 ), Thanh Hóa (8 ), Vĩnh Long (7), Phú Thọ (6), Ninh Thuận (6), Sơn La (6), Bạc Liêu (5), Lạng Sơn (5), Lâm Đồng (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Quảng Trị (3), Gia Lai (3), Kon Tum (2), Hà Tĩnh (2), Ninh Bình (2), Bắc Ninh (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.628 ca. Tại TP.HCM giảm 445 ca, Bình Dương giảm 1.520 ca, Đồng Nai tăng 143 ca, Long An tăng 63 ca, Tiền Giang giảm 7 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 462.096 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.700 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 457.882 ca, trong đó có 236.086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (221.254), Bình Dương (114.788), Đồng Nai (23.766), Long An (22.044), Tiền Giang (9.652).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 238.860
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.295 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.006
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.259
- Thở máy không xâm lấn: 91
- Thở máy xâm lấn: 916
- ECMO: 23

Phường tự lập tổ cấp cứu cộng đồng giữa dịch Covid-19, dân gọi là có mặt

- Đến thời điểm 18 giờ 45, Tiểu ban Điều trị (Cục Quản lý khám chữa bệnh) vẫn chưa cung cấp số liệu về các bệnh nhân tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30.8 là 11.064 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 13.874.125 mẫu cho 33.497.696 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 19.966.724 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.347.538 liều, tiêm mũi 2 là 2.619.186 liều.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ 2.9

Công điện nêu rõ, tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong nước, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhất là tại các tỉnh, thành khu vực phía nam và một số địa phương tập trung đông dân cư, giao thương lớn.
Thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên tại một số địa phương việc thực hiện giãn cách vẫn chưa được triệt để, còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, ca bệnh phát hiện trong cộng đồng vẫn gia tăng.
Trong khi đó, thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 kéo dài 4 ngày, dễ làm gia tăng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30.4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phát huy tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, cụ thể như sau:
Các địa phương đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội: tiếp tục quán triệt sâu sắc các cấp chính quyền, nhất là tại cấp cơ sở về tinh thần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP, Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22.8.2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23.8.2021.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ 29

Tăng cường thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”; tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội để người dân tự giác, yên tâm tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng an sinh, bảo đảm tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, trong thời gian nghỉ lễ và thực hiện giám sát xã hội.
Đối với các địa phương khác, Thủ tướng yêu cầu tăng cường áp dụng và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là yêu cầu thực hiện thông điệp 5K; kiên quyết dừng tổ chức các lễ hội, tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động tại các khu vực công cộng, các cơ sở vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, địa điểm tâm linh và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không cho tụ tập đông người tại các địa điểm này.
Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống dịch; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm.
Tổ chức ứng trực 24/24 đối với các lực lượng tham gia chống dịch để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trước diễn biến dịch bệnh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát như dịp nghỉ lễ 30.4.
Công điện yêu cầu các chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Các bộ, ngành hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh.

TP.HCM không nới lỏng giãn cách nếu chưa đủ điều kiện

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều tối 30.8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá 7 ngày qua thực hiện các biện pháp nâng cao, ứng phó với dịch Covid-19 được triển khai khẩn trương, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở.
Phần lớn người dân tuân thủ nghiêm túc, thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng trong hoàn cảnh cam go cuộc chiến chống dịch.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng kết quả xét nghiệm ở vùng đỏ, vùng cam với tỷ lệ F0 là 3,8% số mẫu cho thấy người dân đã chấp hành giãn cách có hiệu quả. Số ca lây lan ra cộng đồng mức độ nằm trong tầm có thể kiểm soát, xử lý, điều trị. Việc triển khai biện pháp y tế đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, xét nghiệm thần tốc, tiêm vắc xin khẩn trương, điều trị F0 có hiệu quả kéo giảm các ca tử vong, tập trung chăm lo cung ứng hàng hóa thiết yếu, an sinh xã hội.
Ông Nên nhìn nhận những kết quả bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng, tuần đầu thực hiện vừa khởi động, vừa vượt chướng ngại vật, để thực hiện có kết quả quan trọng làm tiền đề cho các bước tiếp theo, hoàn thành kế hoạch theo chỉ tiêu của Nghị quyết 86.

TP.HCM không nới lỏng giãn cách nếu chưa đủ điều kiện về phòng, chống Covid-19

 
Các ý kiến tham dự hội nghị nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo công tác an sinh xã hội khi người dân “ai ở đâu ở yên đó” để thực hiện biện pháp y tế. Khi người dân ngồi một chỗ, đứng yên một nơi thì phát sinh rất nhiều vấn đề. Đây là vấn đề khó, khối lượng công việc lớn và phức tạp, đòi hỏi phải linh hoạt, sáng tạo, ứng phó nhanh các vấn đề phát sinh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá chặng đường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gian truân nhưng bước đầu có niềm tin để thực hiện tiếp đợt tăng tốc đã đề ra. “Không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được, nhưng cũng không thể nới rộng, khi chúng ta chưa đủ điều kiện. Phải đủ điều kiện cần và đủ tương đối mới có thể nới rộng các giải pháp”, Bí Thư Nguyễn Văn Nên phân tích.
Do đó, thời điểm này cần hết sức bình tĩnh, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đền đáp những kỳ vọng của người dân thành phố. Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ và Thành ủy viên nên những lãnh đạo được phân công cần bám sát địa bàn, cùng lực lượng cơ sở phòng chống dịch.

Bình Dương có thêm 1 triệu liều vắc xin Sinopharm

 
Ngày 31.8, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc 1 triệu liều vắc xin Vero Cell kể trên có phải nhận từ TP.HCM hay không? lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết chưa có thông tin chính thức.
Trước đó, Bộ Y tế đã phân bổ 1.061.160 liều vắc xin cho Bình Dương, trong đó có 23.000 liều vắc xin Shinopharm.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, các ca F0 tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang cần vắc xin tiêm cho công nhân để phòng chống dịch, ổn định sản xuất.

Bình Dương có thêm 1 triệu liều vắc xin Sinopharm tiêm cho người dân ngừa Covid-19

Với dân số trên 2,6 triệu người nhưng đến nay Bình Dương đã ghi nhận 110.258 ca Covid-19, trong khi đó, số lượng vắc xin được cấp mới được trên 1 triệu liều. Bình Dương cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Y tế cấp thêm vắc xin, dự kiến đến tháng 4.2022 cần khoảng 3,5 triệu liều tiêm cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong diễn biến liên quan tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM chiều 31.8, PV đặt câu hỏi về cơ chế chia sẻ vắc xin là do TP.HCM tự thực hiện với các tỉnh thành bạn hay thông qua điều phối của Bộ Y tế.
Trao đổi lại, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết về nguyên tắc, việc phân bổ vắc xin phải theo quyết định của Bộ Y tế. “TP.HCM luôn luôn san sẻ với các tỉnh về vắc xin theo những chỉ đạo của Bộ Y tế”, ông Hải nói.
Trong văn bản gửi Bộ Y tế ngày 8.8, UBND TP.HCM cũng đề nghị được phép chia sẻ vắc xin với các tỉnh thành bạn có nhu cầu theo phương thức phù hợp. Trước Đồng Nai và Bình Dương, Hải Phòng cũng từng có văn bản đề nghị TP.HCM cho mượn 500.000 liều vắc xin Vero Cell.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, số vắc xin được TP.HCM chia sẻ với địa phương bạn nằm trong 5 triệu liều Vero Cell mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ cho thành phố. Từ ngày 31.7, 1 triệu liều Vero Cell đầu tiên đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, các lô tiếp theo về trong tháng 8.
TP.HCM bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Vero Cell cho người dân từ giữa tháng 8.2021 và tính đến ngày 30.8 đã tiêm cho hơn 1 triệu người trên tinh thần tự nguyện. Trong kế hoạch mới ban hành về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân đến cuối năm 2021, TP.HCM dự kiến sử dụng cần khoảng 978.000 liều vắc xin Vero Cell để tiêm mũi 2 cho người dân, kể từ ngày 29.8 đến ngày 30.9.
Trong kế hoạch tiêm này, TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP.HCM (hơn 7,2 triệu người theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tính tới ngày 30.6.2021).
Theo tính toán, tổng cộng số lượng vắc xin phòng Covid-19 cần sử dụng từ ngày 29.8 đến cuối năm 2021 là khoảng 8,14 triệu liều, trong đó khoảng 6,74 triệu liều cho mũi 2.

Phường tự lập tổ cấp cứu cộng đồng giữa dịch Covid-19, dân gọi là có mặt

Trong cao điểm dịch bệnh Covid-19 xe cấp cứu dành ưu tiên cho các F0 bị nặng nên các trường hợp người dân cần cấp cứu rất khó khăn. Trên thực tế này, UBND P. 7 thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM đã thành lập “tổ cấp cứu cộng đồng” hoàn toàn miễn phí trên địa bàn trên tinh thần tự nguyện để phục vụ hỗ trợ người dân 24/24.
Thành viên của tổ xung kích phường 7 có 20 người, chia làm đôi. Trong đó tổ 1 là tổ cấp cứu cộng đồng gồm có 6 người đảm nhận nhiệm vụ trực xe cấp cứu 24/24, thay phiên nhau. Những thành viên còn lại thuộc tổ 2 là tổ xung kích có nhiệm vụ hỗ trợ chi viện khi tổ cấp cứu yêu cầu và cùng làm các nhiệm vụ hỗ trợ người dân phát quà, lương thực thực phẩm cũng như đi mua thuốc hỗ người dân hoặc các F0 khi có đơn thuốc theo yêu cầu hỗ trợ.
Tổ hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Trong quá trình làm việc các thành viên tổ phải luôn tuân thủ đúng quy định 5K của ngành y tế hướng dẫn.
Người dân có nhu cầu hỗ trợ thì gọi vào số điện thoại của trạm y tế lưu động của phường, sau đó các bác sĩ sẽ gọi qua số lưu động của các thành viên tổ cấp cứu cộng đồng để thực hiện hỗ trợ.
Ngoài lực lượng tại chỗ, tổ cấp cứu cộng đồng còn có sự hỗ trợ của các cán bộ, học viên Học viện Quân y từ Hà Nội tăng cường thêm.
Ông Trần Hữu Cảnh, Phó chủ tịch UBND P.7, cho biết trong cao điểm dịch bệnh xe cấp cứu dành ưu tiên cho các F0 bị nặng nên các những hợp người dân cần cấp cứu vào ban đêm, người già có bệnh nền rất khó khăn. Trên thực tế này, UBND P.7 đã họp đội xung kích phường thống nhất thành lập “tổ cấp cứu cộng đồng” hoàn toàn miễn phí cho người dân trên địa bàn phường, trên tinh thần tự nguyện để phục vụ hỗ trợ người dân.

Vùng ngoại thành Hà Nội “nóng bỏng” vì 5 phụ nữ nhiễm Covid-19

Ngày 30.8.2021, trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND H.Đan Phượng (thuộc thành phố Hà Nội), cho biết qua xét nghiệm, địa phương đã phát hiện 5 người phụ nữ lớn tuổi dương tính với vi rút gây bệnh Covid-19.
Những phụ nữ được phát hiện dương tính nằm trong độ tuổi từ 55 đến 74 đều có lịch sử dịch tễ khá phức tạp, cùng là người trong gia đình, họ hàng, sống tập trung tại các cụm 9, 10 và 11 của xã Tân Lập.
Chủ tịch UBND H.Đan Phượng cho biết đã họp khẩn cấp sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định của 5 bệnh nhân ở xã Tân Lập. Biện pháp trước mắt là khu vực nào có ca F0 thì phong toả, cách ly y tế nghiêm ngặt. Các khu vực khác thì tăng cường chốt kiếm soát dịch bệnh. Đồng thời, đẩy nhanh truy vết các trường hợp F1, F2 của 5 ca bệnh.

Vùng ngoại thành Hà Nội “nóng bỏng” vì 5 phụ nữ nhiễm Covid-19

Chủ tịch UBND H.Đan Phượng cũng cho hay, qua xác minh ban đầu, nguồn lây Covid-19 được xác định là từ một phụ nữ quê gốc ở xã Tân Lập, nhưng sinh sống ở quận Đống Đa. Đáng chú ý, người phụ nữ này bằng cách nào đó đã về quê nhưng lại có biểu hiện giấu dịch, chỉ khi ực lượng công an vào cuộc bà này mới chịu khai ra lịch sử dịch tễ Theo thông tin chính quyền, ý thức phòng, chống dịch của 5 trường hợp mới nhiễm Covid-19 ở xã Tân Lập rất kém. UBND H.Đan Phượng đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc xác minh, nếu phát hiện sai phạm về phòng chống dịch bệnh thì sẽ có hình thức xử lý.
Đến nay, H.Đan Phượng vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng bày tỏ mong muốn được thành phố Hà Nội hỗ trợ tăng cường vắc xin để tiêm phòng, vật tư liên quan xét nghiệm PCR, test nhanh để chủ động xét nghiệm sàng lọc trước cho các khu vực rộng hơn.

Cận cảnh bệnh viện dã chiến Covid-19 Hoàng Mai

Sau hơn 1 tháng khẩn trương thi công, Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch được xây dựng tại đường Tam Trinh (Q.Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) sắp hoàn thành đưa vào sử dụng.
Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch này được UBND thành phố Hà Nội giao cho Bệnh viện Đại học Y làm chủ đầu tư xây dựng trên diện tích đất hơn 3,5 hecta, có hơn 500 giường, dùng để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nặng.
Dự án khởi công ngày 24.7, dự kiến hoàn thiện cuối tháng 8.2021. Do thời gian rất ngắn, nhà thầu dự án là Tập đoàn Delta đã làm việc liên tục 24/24 giờ để hoàn thành đúng tiến độ.

Cận cảnh bệnh viện dã chiến Covid-19 Hoàng Mai sắp hoàn thành ở Hà Nội

Bệnh viện được chia thành 3 khu là hành chính; khu dinh dưỡng, nghỉ ngơi, xét nghiệm, test định kỳ và kho vật tư thiết bị y tế; khu đỏ là dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU. Bệnh viện này còn có 69 nhà tắm khử khuẩn và nhiều không gian xanh.
Đây là bệnh viện được xây dựng từ đầu theo tiêu chuẩn điều trị ICU, khu dinh dưỡng, xét nghiệm, điều trị riêng biệt nhằm đảm bảo vô trùng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Vào thời điểm này, công trình đã hoàn thành những hạng mục cơ bản. 19 đơn nguyên đã sẵn sàng lắp đặt trang thiết bị y tế. Dự kiến, vài ngày tới bệnh viện sẽ hoạt động 100 giường bệnh đầu tiên. Các hạng mục đang được khẩn trương hoàn thành như hệ thống vách ngăn các buồng bệnh, hệ thống cung cấp ô xy, camera theo dõi và nhiều loại máy móc phục vụ điều trị.
Ông Đào Tuấn Phương, Phó tổng chỉ huy công trường, cho biết bệnh viện được thi công rất nhanh, đảm bảo tiến độ, đồng thời các cán bộ, kỹ sư, công nhân luôn tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo Covid-19 có thể lây từ động vật sang người

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 4156 về “Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà”.
Theo hướng dẫn trên, Covid-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua tiếp xúc. Trong đó lây khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm (bắt tay, ôm hôn); tiếp xúc gián tiếp (chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình).
Covid-19 cũng lây qua giọt bắn khi tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người nhiễm (khi nói, ho, hắt hơi...) tạo ra các giọt có chứa vi rút bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.

Bộ Y tế khuyến cáo Covid-19 có thể lây từ động vật sang người

Ngoài ra, Covid-19 cũng lây qua không khí trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa vi rút lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.
Đáng lưu ý, hướng dẫn khuyến cáo: đối với gia đình có vật nuôi, người nhiễm không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy vi rút lây lan sang động vật.
Người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi. Không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 31.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.