Đáng ngại thực phẩm tươi sống ở chợ

13/12/2017 07:27 GMT+7

Gần 300 mẫu thực phẩm tươi sống được Viện Pasteur TP.HCM lấy ở các chợ tại 5 tỉnh, thành phố lớn phía nam, qua phân tích hầu hết đều nhiễm vi khuẩn E.coli.

­E.coli vây quanh bữa ăn
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 12.12, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết từ tháng 4 - 8.2017 Viện Pasteur đã tiến hành giám sát chủ động nguy cơ ô nhiễm thực phẩm năm 2017. Cán bộ viện đã đi lấy mẫu thực phẩm tươi sống ở một số chợ tại 5 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là việc làm thường xuyên của Bộ Y tế mà Cục An toàn thực phẩm (ATTP) làm đầu mối.
Kết quả lấy 150 mẫu thịt gà, vịt, heo (vịt 2 mẫu, gà 58 mẫu, heo 90 mẫu) kiểm nghiệm thì 100% mẫu nhiễm vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép rất cao. Song song đó, lấy 147 mẫu chem chép, hàu, nghêu, sò kiểm tra, tỷ lệ nhiễm E.coli là gần 64% (94 mẫu), trong đó 82% nhiễm E.coli mức từ trung bình đến cao.
Nguyên nhân dẫn đến thực phẩm nhiễm E.coli là do điều kiện vệ sinh từ lò giết mổ gia súc, gia cầm đến nơi bày bán, chế biến thực phẩm... rất kém. Ngoài ra, còn do sự lây nhiễm vi khuẩn trong các công đoạn cắt tiết, nhổ lông, quy trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh ATTP, không đảm bảo nguyên tắc một chiều...
Theo PGS-TS Lân, các mẫu lấy ở điểm bán lẻ trong chợ, thời gian từ 8 - 9 giờ sáng. Mẫu lấy có chủ đích ở các sạp, điểm bán lẻ trong chợ có nguy cơ cao về ATTP, do vậy không mang tính đại diện chung nên số liệu có thể khác ở TP.HCM và các tỉnh. Tuy nhiên, theo ông, kết quả khảo sát nghiên cứu của viện là cảnh báo cho nhà sản xuất, kinh doanh, cần kiểm tra rà soát chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn của mình. Các nhà quản lý biết các điểm nguy cơ để có chính sách can thiệp, kiểm tra đảm bảo ATTP.
Theo PGS-TS Lân, E.coli là vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae, phần lớn không gây bệnh và thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, một số chủng E.coli sinh độc tố có khả năng gây tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu. Tại VN đã từng xảy ra các đợt dịch E.coli. Năm 2014, tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh (TP.HCM) xảy ra dịch E.coli với chủng gây bệnh Epec. Năm 2017, ở Bến Tre dịch E.coli cũng xảy ra với chủng gây bệnh Epec...
"E.coli có sức đề kháng khá cao, có thể tồn tại lâu dài trong đường tiêu hóa và nhiều vị trí trên da, niêm mạc của cơ thể người, động vật. Nó cũng có mặt khắp nơi trong môi trường ngoại cảnh (đất, phân, nước) với thời gian tồn tại kém hơn so với trong đường ruột. Các yếu tố làm giảm sự tồn tại của E.coli trong môi trường: nhiệt độ cao, điều kiện hiếu khí (thiếu ô xy), pH cao, độ sét trong đất thấp. Vi khuẩn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60 độ C sau 5 phút và bị tiêu diệt ngay ở nhiệt độ trên 70 độ C", PGS-TS Lân cho hay.
Theo ghi nhận của Thanh Niên chiều qua 12.12, mặt hàng thực phẩm tươi sống bày bán tại một số chợ ở TP.HCM tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), thau chậu đựng tôm, cá, ốc... bày sát lề đường. Nhiều loại hải sản được bày trên nền bê tông cáu bẩn, bên các vũng nước đen ngòm. Sát đó là nước thải, rác. Bên trong chợ, các quầy thịt heo, gà dù được đặt trên sạp cao cách nền chợ khoảng 1 m nhưng dưới nền là rác, rãnh thoát nước đen đặc.
Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), các quầy thịt heo nằm xen kẽ với mặt hàng rau củ, sạp bán cá và sát lề đường. Nhiều sạp kê hàng bán ngay cạnh đống rác hay miệng cống. Phía dưới sạp là các vũng nước và nền đường cáu bẩn, đầy rác. Dọc vỉa hè các con đường quanh chợ, tiểu thương bày bán la liệt hải sản trong các thau chậu. Nhiều tiểu thương còn làm thịt cá, chế biến ngay cạnh nền đất cáu bẩn để giao cho khách.

tin liên quan

Tranh cãi tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn
Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, 30 - 40% mẫu thịt lợn lấy tại Hà Nội và TP.HCM nhiễm khuẩn Salmonella. Tỷ lệ này cao gấp đôi tỷ lệ Cục Thú y Bộ NN-PTNT đưa ra là 10 - 20%. Vậy kết quả nào là chính xác?
Hồi chuông cảnh báo
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM, đánh giá nghiên cứu của Viện Pasteur là nghiên cứu khoa học, số lượng mẫu như vậy là chưa đủ để đại diện cho toàn bộ thực phẩm 5 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều kiện vệ sinh ATTP ở VN hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do giết mổ, phân phối và điều kiện bán thực phẩm tươi sống chưa đảm bảo, do vậy, phải xem yếu khâu nào bổ sung khâu đó.
Riêng về giết mổ, TP.HCM đã có đề án quy hoạch lò giết mổ hiện đại nhưng tiến độ chưa như mong muốn. Trong thời gian chờ đợi, TP.HCM vẫn chấp nhận các lò mổ thủ công và bán hiện đại nhưng phải siết chặt quản lý để không xảy ra chuyện tiêm thuốc an thần như đã xảy ra; có sự tham gia của Ban ATTP và gắn camera quan sát ở lò mổ. Thậm chí cần mời báo chí giám sát để tránh tiêu cực và nghi ngờ không đáng có... “Vấn đề ATTP tồn tại ở các chợ tạm, tự phát, UBND TP.HCM chỉ đạo các quận huyện khoanh vùng và tiến tới giải quyết. Với các chợ truyền thống, điều kiện ATTP nhiều nơi rất kém. Do vậy, cần mạnh tay xử lý những nơi kém vệ sinh và đầu tư nâng cấp các chợ, làm sao thực phẩm tươi sống phải sạch sẽ”, bà Lan nói.
Tuy nhiên theo bà Lan, thực phẩm không chỉ nhiễm vi khuẩn mà còn bị nhiễm hóa chất độc hại, chất cấm, chất bảo vệ thực vật... Do vậy, đòi hỏi kiểm soát từ nguồn, phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và Ban ATTP; tiến hành truy xuất nguồn gốc, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, song song đó là thanh kiểm tra...
Ngày 12.12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã họp nghe báo cáo về hoạt động của Ban ATTP TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Phong đánh giá Ban ATTP đã làm tốt công tác phối hợp cung ứng chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn để cung cấp cho người dân TP.HCM. Vừa qua, vụ 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần nếu không được phát hiện thì hậu quả rất lớn. Từ đó cho thấy một số khâu trong giết mổ còn buông lỏng quản lý. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Ban ATTP, Sở NN-PTNT, Sở Công thương bàn cơ chế phối hợp chi tiết, chặt chẽ trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP cho người dân, đặc biệt dịp tết sắp tới.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, ngày 4.5 xảy ra tại Trường tiểu học Bàu Sen (106 Nguyễn Trãi, P.3, Q.5) làm 16 người mắc. Ngày 13.9, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH NamHo (H.Hóc Môn) làm 18 người mắc. Ngày 14.9, xảy ra ngộ độc thực phẩm tại phân xưởng may 6, chi nhánh Công ty TNHH may thêu giày An Phước (H.Hóc Môn) làm 8 người mắc. Tất cả các vụ ngộ độc đều do nhiễm vi khuẩn E.coli, Bacillus Cereus, Listeria monocytogenes... Mới đây, ngày 8.12 có 142 học sinh Trường tiểu học An Phú, Q.2 bị sốt đồng loạt chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, trưa 7.12, trường có phục vụ 720 suất cơm. Tối cùng ngày, một số em bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, được gia đình đưa đi bệnh viện. Sáng 8.12, các em đi học thì tiếp tục xảy ra các triệu chứng trên. Dự kiến vài ngày tới sẽ có kết quả xét nghiệm thức ăn và bệnh phẩm của các em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.