Báo cáo về các nội dung còn ý kiến khác nhau của bộ luật Lao động sửa đổi, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng
khung giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm và khống chế số giờ làm thêm theo tháng.
Bà Thúy Anh cho hay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến trên, vì bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Hơn nữa, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ khi trình độ
công nghệ phát triển, trình độ tay nghề người lao động nâng lên.
Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với đề xuất tăng khung giờ làm thêm mà Chính phủ đề xuất. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là tăng lương, giảm giờ làm, bởi hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng cao, công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề
người lao động tăng lên, trình độ quản lý tốt hơn thì không có lý gì phải tăng giờ làm”.
Ông Tỵ cũng lưu ý thêm đây là vấn đề rất nhạy cảm và đề nghị nên lấy ý kiến của nhân dân một cách rộng rãi.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu băn khoăn: "Xu hướng tiến bộ là tăng lương, giảm giờ làm, tại sao giờ lại tăng giờ làm thêm? "Theo Phó chủ tịch Quốc hội, nếu người lao động cứ quần quật làm trong nhà máy 48 giờ mỗi tuần thì họ không còn thời gian chăm sóc bản thân, gia đình, không thể tái tạo sức lao động do đó, ông không ủng hộ tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm, nếu tăng phải tăng có kiểm soát.
Cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động
Nêu ý kiến của mình,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, vấn đề tăng giờ làm thêm luôn đặt ra mỗi khi sửa đổi bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
Theo bà Ngân, tình trạng vi phạm quy định về giờ làm thêm là khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. “Tôi hiểu vấn đề này xuất phát từ nhu cầu của
doanh nghiệp, muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động", bà Ngân nói.
Bên cạnh đó, bà Ngân cũng chỉ ra rằng, người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định. .
Dẫn nghịch lý trong thời đại ngày nay phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, cần phải giảm thời gian lao động xuống chưa giảm được, lại còn muốn tăng giờ làm thêm, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: “Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh nhưng chúng ta lại ngồi đây tính tăng giờ làm thêm cho người lao động".
“Quan điểm của tôi là không đồng ý. Lần trước tôi có phát biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng sau khi đọc lại lịch sử quan điểm của chúng ta từ trước đến nay và đi theo xu hướng tiến bộ thì tôi đề nghị rất cân nhắc liệu chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh, chúng ta là nước định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng
cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động”, bà Ngân nói.
Bình luận (0)