Chiều 24.6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) vào năm 2020.
Các bị cáo kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, nguyên Trưởng phòng Tài chính CDC Hà Nội; Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Trưởng phòng Tổ chức CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, nguyên Giám đốc công ty MST; Nguyễn Trần Duy, nguyên Tổng giám đốc công ty định giá và bán đấu giá Nhân Thành; và Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội.
|
Trước khi bước vào xét xử, Chủ tọa phiên toà cho biết đã nhận qua đường bưu điện nhiều đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là cán bộ của CDC Hà Nội. Các đơn này được gửi từ CDC của 30 tỉnh, thành và một số tổ chức liên quan ngành y tế; các nhà khoa học… và cả lãnh đạo CDC Hà Nội đương nhiệm.
Nêu quan điểm tại toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho biết, bị cáo Cảm là người có vai trò cao nhất trong vụ án, trực tiếp chỉ đạo cấp dưới làm sai khiến các bị cáo dưới quyền phạm tội. Mặc dù có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải và được CDC Hà Nội cùng nhiều đồng nghiệp khắp cả nước có đơn xin giảm nhẹ, nhưng mức án 10 năm tù sơ thẩm là có căn cứ, tương xứng với tội danh, mức án này là mức thấp nhất trong khung hình phạt, chính vì vậy không có căn cứ nào để giảm nhẹ cho bị cáo Cảm.
Các bị cáo còn lại cũng đã nhận án sơ thẩm tương xứng tội danh và cũng đã ở mức thấp nhất.
Từ lập luận trên, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó đối với các bị cáo. Cụ thể, bị cáo Cảm 10 năm tù, bị cáo Thanh 6 năm 6 tháng tù, bị cáo Dung 6 năm tù, bị cáo Vinh 6 năm 6 tháng tù, bị cáo Duy 6 năm tù, và bị cáo Quỳnh 5 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 2.2020, các bị cáo vì động cơ vụ lợi đã thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm. Bị cáo Cảm, với tư cách là Giám đốc CDC Hà Nội, phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của luật Đấu thầu, nhưng không thực hiện quy định trên mà trực tiếp bàn bạc, chỉ đạo các bị cáo khác để gian lận, nâng khống hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen của Cộng hòa Liên bang Đức với giá 7 tỉ đồng, bảo hành 36 tháng.
Thực tế, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 này khi nhập khẩu về chỉ có giá hơn 2 tỉ đồng.
Bị cáo Cảm đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại CDC Hà Nội là các bị cáo Thanh, Dung và Quỳnh hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội thuê Công ty Cổ phần định giá và đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu.
Nhóm bị cáo đã ấn định giá thiết bị trước khi chỉ định thầu thông thường. Bị cáo Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm.
|
Bình luận (0)