Đến 2025, 4 bến xe của Hà Nội sẽ chưa thành cao ốc

Vũ Hân
Vũ Hân
29/11/2018 18:25 GMT+7

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội, cho biết theo quy hoạch, đến năm 2025, các bến xe Mỹ Đình , Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm vẫn chưa trở thành cao ốc, còn sau đó thì “phải tiếp tục giám sát”.

Chiều nay, 29.11, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sau khi giải tỏa 4 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm và Gia Lâm thì phần đất đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì, có trở thành cao ốc không, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội, cho biết đến năm 2025, khu vực này chắc chắn chưa trở thành cao ốc.
“Theo quy hoạch hiện đã được phê duyệt thì các bến xe này đang là bến xe liên tỉnh, sau đó sẽ trở thành các trung tâm tiếp vận, không có chuyện xây dựng cao ốc tại các khu vực này. Từ nay đến 2025, các khu vực này vẫn phải thực hiện vai trò đón xe dừng, đỗ và đón trả khách”, ông Quân nói.
Tuy nhiên, ông Quân cũng bổ sung thêm: “Sau này ai quyết định nó thành cao ốc thì ta tiếp tục giám sát, kiểm tra, lúc này chưa thể khẳng định được”.
Trước đó, tại một báo cáo gửi HĐND thành phố, UBND TP.Hà Nội quyết định tạm thời vẫn giữ lại 4 bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm, dù trước đó, tại quy hoạch bến xe trung tâm có tầm nhìn đến 2050, Hà Nội đã xin ý kiến Bộ Xây dựng và Bộ GTVT chuyển chức năng 4 bến xe này thành bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt.
Bên cạnh việc giữ lại 4 bến xe này, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xây mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm, gồm: bến xe khách phía Bắc (quy mô 10 ha), bến xe Đông Anh (5,3 ha), bến xe Cổ Bi (10,4 ha), bến xe phía Nam (10 ha)…
Trong giai đoạn 2018 - 2025, trước mắt, Hà Nội sẽ đầu tư 5 bến xe khách liên tỉnh, gồm: Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, phía Nam và Sơn Tây 1, với tổng điện tích khoảng 41,9 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỉ đồng.
Các khu đô thị vệ tinh như Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn cũng được Hà Nội quy hoạch xây dựng 13 bến xe khách với tổng mức đầu tư khoảng 3.254 tỉ đồng, tổng diện tích khoảng 57 ha.
Riêng bến xe Yên Sở, dự án còn rất nhiều ý kiến khác nhau, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết: "Đúng là gần đây báo chí rất quan tâm đến chủ trương đầu tư bến xe này của thành phố, dư luận băn khoăn vì bến xe xây dựng trong tầm nhìn trung hạn, ngắn như vậy có phù hợp không? Tuy nhiên, bến xe Yên Sở nằm trong vành đai 3 và đã nằm trong quy hoạch chung thủ đô và quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt, tức là nó đúng quy hoạch".
Bên cạnh đó, ông Quân cho rằng, góp ý của các bộ cũng đều khẳng định sự cần thiết đầu tư bến xe này khi bến xe phía Nam chưa được đầu tư. “Các nhà khoa học cũng có nêu ý kiến, nhưng quan trọng là nó đúng quy hoạch”, ông Quân nói.
Sớm đưa ra xét xử vụ bảo kê tại chợ Long Biên
Liên quan đến tiến độ xử lý vụ việc nghi có hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên, chiều 29.11, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội, cho biết trong buổi làm việc giữa tháng 11 giữa Ban Pháp chế với Công an TP.Hà Nội, Ban cũng đã chất vấn Giám đốc Công an thành phố và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố về việc này. Hiện vụ án đã được khởi tố và đang trong quá trình điều tra, “chắc chắn sẽ sớm đưa ra xét xử”, ông Nam khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.