Theo ghi nhận của chúng tôi trong các ngày 7, 8 và 9.4, tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, mặc dù số lượng người đi chợ có thưa hơn trước trong mùa cách ly xã hội, nhưng khó tránh khỏi cảnh chen nhau khi mua hàng, nhất là đầu các thời điểm họp chợ...
|
Đi mau về chóng
Sáng 9.4, chúng tôi đi chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh). Chị tiểu thương, là mối lâu nay, đon đả bảo "tụi em quen rồi thì ghé tận nơi mua cũng mừng, nhưng cần thì gọi điện nghen, chị ship (giao hàng) tận nơi cho, đủ dùng cả tuần".
Trước đó, sáng 8.4, chúng tôi đi chợ Nguyễn Tri Phương (P.6, Q.10), thấy cảnh chợ búa vẫn tấp nập. Bà Nguyễn Thị Thao (60 tuổi) bán thịt heo tại chợ đã lâu, cho biết người đi chợ cũng vãn bớt trong những ngày cách ly xã hội. Nhưng để giữ mối hàng, kiếm đồng ra đồng vào, dù lo lắng bệnh dịch, bà Thao vẫn ra chợ buôn bán mỗi ngày.
|
“Nếu lúc trước bạn hàng mỗi ngày mỗi đi, thì nay chỉ đi một ngày rồi mua đủ dùng cho 2 - 3 ngày. Phía ban quản lý chợ cũng có tổ chức canh phòng ở các ngõ vào và yêu cầu mọi người phải mang khẩu trang. Riêng mình phải tự phòng bằng đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên", bà Thao cho biết.
|
Tại khu vực chợ Bàn Cờ (P.3, Q.3, TP.HCM), người dân đi chợ len lỏi giữa các sạp hàng. Đa số người đi chợ đều mang khẩu trang, có người còn mang cả bao tay y tế. Ai cũng cố gắng đi mau về chóng, chọn hàng rồi mua ngay chứ ít "dạo chợ" như trước.
Các quán ăn trong chợ Bàn Cờ vẫn bán, khách ăn tại chỗ. Bà H.(50 tuổi, bán hàng ăn trong chợ) giải thích lý do khách vẫn ngồi ăn tại quán là do… thói quen: "Quen vầy rồi. Mình với khách vẫn mang khẩu trang đầy đủ, chỉ khi ăn mới tháo xuống thôi. Bàn cũng kê xa nhau và mọi người cũng không ai ngồi lại lâu".
|
Cũng trong sáng 8.4, chúng tôi ghé khu chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (P.13, Q.Bình Thạnh). Chị T., một người bán rau ven đường, cho biết: “Khách giảm so với trước đây chứ, nhưng mình vẫn đi bán. Bên phường có tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở mọi người phải bảo vệ bản thân, phòng ngừa bệnh”.
|
Bà Liên, một người dân sống ở khu vực đường Nguyễn Xí, bảo chợ này tự phát nhưng được cái gần nhà, nên bà hay đi.
Trước kia mỗi ngày bà Liên đều đi chợ để mua thực phẩm cho tươi, nhưng kể từ ngày cách ly xã hội, bà Liên đi chợ mua đủ đồ ăn cho cả tuần. Khi đi ra ngoài, bà Liên mang cả găng tay, khẩu trang, mua thật nhanh rồi về nhà.
|
Vẫn có người không mang khẩu trang
Mặc dù đa số người dân tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, nhưng cũng có không ít khách mua lẫn tiểu thương không đeo khẩu trang.
Tại khu vực chợ Thị Nghè (P.19, Q.Bình Thạnh), bên trong chợ người đi lại thưa hơn, một số gian hàng đã đóng, nhưng phía ngoài người dân vẫn tấp nập mua bán ở đoạn đầu chợ (đường Phan Văn Hân) cho đến cuối chợ (đường Nguyễn Ngọc Phương).
|
Chúng tôi thấy nhiều tiểu thương thoải mái cởi khẩu trang nói chuyện với khách, có người còn không mang khẩu trang. Một tiểu thương bảo "buôn bán cả ngày nên lâu lâu cởi bỏ để… dễ thở và nói chuyện dễ hơn với khách mua".
Chị N., một người bán trái cây tại chợ Thị Nghè, cũng nói: “Sợ dịch thì có sợ, nhưng biết làm sao bây giờ, nguồn tiền của mình chỉ có thế đó, không bán thì tiền đâu mà sống”.
Chợ Thị Nghè nằm ở trong khu vực đông dân cư, đường nhỏ, nên việc tập trung đông người rất dễ diễn ra. Nhiều người dân cho biết gia đình của họ vẫn giữ thói quen đi chợ mỗi ngày vì thích đồ ăn tươi sống.
Chị N.M, một người dân sống tại đường Phạm Viết Chánh (P.19, Q.Bình Thạnh), cho biết: “Tôi đã quen đi chợ vào sáng sớm, gặp "mối" quen. Mùa dịch tôi cũng hạn chế đi, cách 1 - 2 ngày mới đi nhưng chợ vẫn đông, một phần vì không cấm chợ, người dân phải sinh hoạt; phần vì cơm có bữa, chợ có phiên, khu vực này đất chật người đông mà”.
Chạy ngược sang hẻm 334, đường Chu Văn An (P.12, Q.Bình Thạnh), chúng tôi thấy các sạp hàng đặt sát lề đường, người mua tạt ngang dừng xe là mua được hàng. Tại một quầy bán thịt heo, chủ sạp không đeo khẩu trang, đứng nói chuyện, gần đó là 4 người khách đang chờ mua hàng. Khi có lực lượng chức năng đến nhắc nhở thì người này mới lấy khẩu trang mang vào.
|
|
Phường nhắc nhở thường xuyên
Ông Đỗ Khánh Du (Phó chủ tịch phụ trách kinh tế - nhà đất, UBND P.12, Q.Bình Thạnh) cho hay chính quyền địa phương một mặt tích cực tuyên truyền cho người dân buôn bán trên đường Chu Văn An cần hạn chế kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19, một mặt nhắc nhở người dân đi chợ cần lưu ý giãn cách, đeo khẩu trang.
"Phường đã cho lực lượng chức năng xuống để nhắc nhở người dân giãn cách, đeo khẩu trang. Nếu người nào không chấp hành thì sẽ bị xử phạt".
Tương tự, tại chợ Thủ Đức B (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức), phía bên trong nhà lồng chợ được dán các tờ thông báo về dịch Covid-19, đồng thời trên loa phát thanh đều nhắc nhở bà con phải đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa bệnh.
Bà Hạnh (chủ sạp bán gạo) cho biết vào mùa dịch bán hàng ế ẩm, đa phần người mua hàng đều tập trung mua ở khu chợ tự phát phía trước, chứ không vào trong chợ, vì không phải gửi xe, thuận tiện khi mua hàng.
|
Bà Tạ Thị Kim Anh (Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chợ Thủ Đức) cho biết: “Phía bên ngoài nhà lồng chợ B là khu chợ tự phát, do phía bên phường quản lý. Do các hộ buôn bán liền kề nhau, nên không thể nào giãn cách được, người mua hàng do thấy tiện nên dừng xe ghé lại mua nên tạo nên cảnh đông đúc, chen lấn nhau”.
“Mặc dù không có quản lý về mặt kinh doanh của khu chợ này, nhưng phía ban quản lý chợ cũng đã kết hợp với phường nhắc nhở chung trong công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch Covid-19. Như phát khẩu trang cho mọi người phòng ngừa bệnh, người nào không chấp hành sẽ bị nhắc nhở, xử phạt”, bà Anh cho biết thêm.
|
Chen nhau giao, nhận hàng trong thời điểm cách ly xã hộiSáng 9.4, UBND phường Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM kiểm tra một kho hàng của một cơ sở kinh doanh giao nhận hàng trên địa bàn phường, sau khi nhận được phản ảnh từ người dân về việc nơi đây tập trung đông người trong thời gian cách ly xã hội.
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho này có đông nhân viên và shipper (người giao hàng). Mặc dù đội ngũ này có đeo khẩu trang y tế nhưng không tuân thủ quy tắc giữ khoảng cách an toàn 2 mét trong giao tiếp theo quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Người phụ trách kho giải thích: “Doanh nghiệp đã hạn chế nhân viên có mặt tại kho, giới hạn số lượng mỗi ca có khoảng 22 - 25 người và đã giữ khoảng cách 2 mét. Tuy nhien, do kho đang sửa chữa, có công nhân đang thi công, nên có xảy ra tập trung đông người”
Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Tam Phú, cho biết, do doanh nghiệp được phép hoạt động trong mùa dịch nên phường chỉ tuyên truyền, khuyến cáo thêm về công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Phường sẽ tiếp tục có biện pháp nhắc nhở, can thiệp kịp thời nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm quy định về an toàn sức khỏe mùa dịch.
Bích Ngân
|
Bình luận (0)