Chôn thức ăn giữa rừng
Mỗi chuyến đi tìm dấu vết sao la của mỗi đội kéo dài khoảng 6 ngày. Mỗi tháng, mỗi thành viên có ít nhất 22 ngày trong rừng. Trong hành trình di chuyển, phải mang đủ nhu yếu phẩm nên mỗi ba lô nặng đến 20 kg. Chưa kể thác ghềnh, rêu bám trơn như bôi mỡ. Thế mới có chuyện nhiều thanh niên xin vào làm hợp đồng, chỉ sau một chuyến tuần rừng đã vội lặn mất tăm. “Có những tiểu khu giáp với KBT sao la Quảng Nam, chúng tôi phải đi bộ 2 ngày đường mới đến nơi”, anh Hóa kể.
|
Ông Nguyễn Thanh, Phó giám đốc KBT sao la Thừa Thiên-Huế, chia sẻ nỗi lo anh em tuần tra vào rừng đúng mùa mưa lũ. Dù đơn vị có phương án tuần tra, nhưng rừng thiêng nước độc nhiều bất trắc. Bởi vậy, đơn vị nảy ra sáng kiến “chôn thức ăn giữa rừng”. “Có nhiều đợt anh em đi rừng thiếu lương thực, phải ăn cây rừng cầm hơi. Ở ngoài này chúng tôi như ngồi trên đống lửa nhưng không thể tiếp tế vì mưa lớn, lũ dâng. Do đó, tranh thủ những ngày nắng, anh em chuẩn bị sẵn các điểm chôn thức ăn. Các anh em đều biết tọa độ của những “hầm lương thực” này, khi có sự cố sẽ đến đó lấy thức ăn. Quá trình tuần tra, anh em cũng xác định những điểm có sóng điện thoại và ghi lại tọa độ để thông báo cho nhau”, ông Thanh nói.
Nằm xuống giữa rừng già
Những người làm công tác bảo tồn sao la ở A Lưới vẫn còn nhắc lại chuyện thoát chết nghẹt thở của Hạt phó Hạt Kiểm lâm KBT, ông Lê Thanh Hướng. Ngày 27.10.2017, ông Hướng cùng nhóm kiểm lâm và biên phòng tổ chức truy quét lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh giữa Nam Đông và A Lưới. Đến ngày 30.10, tổ tuần tra phát hiện nhóm “lâm tặc” 4 người đúng lúc thượng nguồn sông Hương có mưa rất lớn. Tổ buộc phải rút lui. Không may, ghe máy chở ông Hướng cùng 4 “lâm tặc” va phải đá ngầm, trôi luôn động cơ. Giữa nước lũ cuồn cuộn xô vào đá, mọi người đã nghĩ ông Hướng cùng với 4 người không qua khỏi… Trưa 6.11, khi ông Hướng gắng gượng cắt rừng về đến trạm, anh em kiểm lâm ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
|
Sau trận mưa, muông thú bắt đầu kiếm ăn. Trong lán trại đơn sơ giữa rừng già, anh Hồ Anh Tuấn, nhân viên đội tuần tra, chỉ cho chúng tôi thấy một con rắn xanh lè đang treo mình lủng lẳng trên nhành cây. Anh nói, rắn lục luôn là nỗi ám ảnh của anh em bảo tồn sao la. “Nó lẫn vào màu lá, không dễ phát hiện. Chỉ đến khi nó ngoạm vào tay, nhìn thấy 2 dấu răng mới cảm nhận cái chết đến bên mình rất gần”, anh Tuấn chia sẻ.
|
Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh M. Tại KBT sao la Thừa Thiên-Huế, hằng năm cán bộ bảo tồn có một “ngày buồn chung”: ngày giỗ nhân viên V.T.T. Anh T. mất khi đang làm nhiệm vụ vào năm 2015. Nhiều người vẫn không thể quên buổi sáng định mệnh đó. “Khi chúng tôi đang ngủ trong lán trại giữa rừng, giông tố bất ngờ nổi lên. Tấm bạt bị bật sang một bên, tôi vùng dậy gọi anh em cùng che lại, chỉ riêng anh T. nằm im trên võng. Tôi tiến đến thì lặng người, nhìn thấy một nhành cây lớn đè lên chiếc võng mà anh T. nằm. Khi kéo nhành cây ra, máu từ mặt anh T. phun thành dòng”, anh Nguyễn Bá Thành, nhân viên KBT sao la Thừa Thiên-Huế, buồn bã nhớ lại. Anh T. được cáng ra khỏi rừng, đội tuần tra liên tục dò sóng điện thoại gọi xe cấp cứu, cuộc “hành quân” ròng rã 7 giờ đồng hồ nhưng khi đến trung tâm y tế huyện, anh T. đã ngừng thở.
Cán bộ bảo tồn sao la nếm mật nằm gai đã quen. Nhưng lắm lúc anh Nguyễn Bá Thành cùng đồng nghiệp cũng dự tính bỏ nghề. Ở nhà nghỉ ngơi vài hôm, lại bồn chồn vì nhớ rừng, lại đi. “Tôi chỉ mong một ngày gặp được sao la, để rồi kể cho T. nghe như T. từng mong ước trong mỗi chuyến đi rừng chung”, anh Thành rưng rưng.
Đưa pin ra khỏi rừng
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam , cho biết công tác bảo tồn loài sao la phải được thực hiện “từ xa”, như bảo vệ sinh cảnh, ngăn thợ săn xâm hại... Môn thục là loài sao la rất thích ăn nên cũng được bảo vệ. Và vì chuỗi thức ăn này, thời gian qua 6 đội tuần tra phải mang pin qua sử dụng ra khỏi rừng nhằm bảo vệ môi sinh cho sao la. “Chúng tôi phát hiện lượng pin lắp trên các thiết bị tương đối nhiều nên yêu cầu đội tuần tra khi thực hiện xong thì gom pin về đặt tại 6 thùng có đánh số, sau đó KBT hợp đồng với đơn vị thu gom xử lý. Pin thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Một số loài không thể mọc lên tại khu vực có pin, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sao la”, ông Sơn chia sẻ.
Năm 2019, KBT sao la Quảng Nam đã phá hủy gần 3.000 bẫy các loại. Tại Thừa Thiên-Huế, từ năm 2017 - 2019, gần 27.000 chiếc bẫy thú cũng được tháo gỡ.
|
Bình luận (0)