Mở rộng đối tượng xét nghiệm để kiểm soát dịch
Từ 10.5 tới nay, trên cả nước không ghi nhận thêm các ổ dịch mới. Các ca bệnh mới hầu hết đều được ghi nhận tại những nơi đã cách ly, phong tỏa. Tuy vậy, nguy cơ của đợt dịch thứ 4 cao khi vẫn tồn tại nhiều điểm nóng, chu kỳ lây lan đã tới F5.
Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam (theo cách phân chia của Bộ Y tế) tới 13.5 đã bước sang ngày thứ 17 (tính từ 27.5). Tới hết ngày hôm qua, 13.5, đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 684 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở 26 tỉnh, thành. Đây là đợt dịch nguy hiểm nhất mà Việt Nam phải đối mặt từ trước tới nay.
|
Không có thêm ổ dịch
So với 3 đợt trước, đợt dịch thứ 4 đang có số ca bệnh ghi nhận mới trung bình mỗi ngày cao nhất với hơn 40 ca, cao gấp hơn 2,5 lần đợt dịch thứ 3 (16 ca/ngày) và thứ 2 (15,28 ca/ngày) và hơn rất nhiều so với đợt dịch đầu tiên (chỉ 1,17 ca/ngày).
Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm 1,682 triệu liều vắc xin Covid-19Ngày 13.5, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 87 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 14 ca nhập cảnh được cách ly ngay (tại An Giang, Long An, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bình Dương), 73 ca ghi nhận trong nước tại 10 tỉnh thành (Đà Nẵng 32 ca, Bắc Ninh 7 ca, Hà Nội 7 ca, Vĩnh Phúc 5 ca, Bắc Giang 10 ca, Hưng Yên 4 ca, Thái Bình 4 ca, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hà Nam và Hòa Bình mỗi địa phương 1 ca, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh (Hà Nội) 1 ca).
Liên quan đến vắc xin phòng Covid-19, ngày 16.5, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,682 triệu liều vắc xin của AstraZenceca, do COVAX Facility hỗ trợ. Số vắc xin này sẽ được phân bổ cho tất cả các đơn vị địa phương. Đến nay cả nước đã có 62 tỉnh thành tiêm chủng vắc xin Covid-19, với 942.030 mũi tiêm cho những người thuộc nhóm ưu tiên.
Liên Châu
|
Theo số liệu thống kê của Thanh Niên, trong 17 ngày bùng phát vừa qua, ngày 10.5 ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 129 ca. Đây là số ca bệnh kỷ lục ghi nhận trong 1 ngày trong cả 4 đợt dịch. Trong các đợt dịch trước đó, số ca cao nhất mà Việt Nam ghi nhận trong 1 ngày là 97 (ghi nhận vào ngày 31.1.2021).
Tới nay, số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày vẫn cao, trên 70 ca. Tuy nhiên, có một tín hiệu khả quan là từ 10.5 tới nay không có thêm các ổ dịch mới. Phạm vi lây lan dịch bệnh vẫn giữ nguyên ở 26 tỉnh, thành mặc dù số ca bệnh tăng lên thêm 351 ca (chiếm hơn một nửa số ca bệnh của cả đợt dịch lần này tính tới hết 13.5). Nhiều tỉnh, thành phố không ghi nhận thêm các ca bệnh cộng đồng mới. Chỉ có 9/26 tỉnh, thành có số ca bệnh trên 10 ca. Số còn lại (17/26 tỉnh, thành) số ca bệnh dưới 10. Trong đó, 13 tỉnh thành chỉ có 1 - 3 ca bệnh. Bên cạnh đó, các ca bệnh mới được Bộ Y tế công bố hầu hết đều được ghi nhận tại những nơi đã thực hiện cách ly, phong tỏa.
Nhiều điểm nóng
Khác với 3 đợt dịch trước, nguyên nhân khiến đợt dịch thứ 4 lây lan rộng là do cùng lúc bùng phát nhiều ổ dịch với các chuỗi lây nhiễm lớn, rải rác ở nhiều địa phương, lây lan qua nhiều chu kỳ, khó xác định nguồn lây một cách chính xác; trong đó có những ổ dịch tới nay vẫn là các điểm nóng với diễn biến phức tạp.
Ổ dịch lớn nhất tới nay vẫn là Hà Nội, khi tới nay đã ghi nhận 170 ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, là nơi tập trung ca bệnh nhiều nhất trong đợt dịch lần này. Ngay tại thủ đô cũng tồn tại cùng lúc nhiều ổ dịch lớn, như tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh và BV K cơ sở Tân Triều. Tính đến thời điểm hiện tại, ổ dịch tại 2 BV này đã ghi nhận 100 ca bệnh (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư 87 ca, BV K Tân Triều 13 ca), chiếm gần 59% số ca bệnh cộng đồng tại Hà Nội, 15% số ca bệnh của cả nước. Tới nay, vẫn ghi nhận các ca bệnh mới tại 2 BV này, dù không còn nhiều như những ngày đầu tiên phát hiện. Ngoài ra, còn có ổ dịch tại H.Thường Tín với lịch sử dịch tễ liên quan chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng - Hà Nội ngày 29.4.
Việc dịch Covid-19 “tấn công” vào 2 BV thuộc tuyến cuối của ngành y tế là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan ra nhiều tỉnh thành khi các bệnh nhân (BN), người nhà chăm sóc BN tại BV này đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung. Đáng kể nhất là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ... Ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào 6.5, đến nay, sau 8 ngày, Bắc Ninh ghi nhận 131 ca bệnh, đứng thứ 2 trong số 26 tỉnh, thành có dịch, chỉ sau Hà Nội. Trong đó, H.Thuận Thành trở thành tâm dịch, hầu hết các ca bệnh đều bắt nguồn từ xã Mão Điền của huyện này. Tới chiều 9.5, tỉnh Bắc Ninh đã quyết định phong tỏa toàn bộ H.Thuận Thành với 182.000 dân.
Một “điểm nóng” khác là Bắc Giang. Mới ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 8.5 (1 ca), tới nay, Bắc Giang đã ghi nhận tới 91 ca bệnh. Các ca bệnh của Bắc Giang ban đầu cũng liên quan tới người nhà thăm BN tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và BV K Tân Triều, sau đó lan vào khu công nghiệp khiến số BN tăng rất nhanh.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng là ổ dịch lớn với 78 ca bệnh (tính tới hết 13.5). Nguồn lây lan của các ca bệnh ở Vĩnh Phúc là từ các BN Covid-19 - những chuyên gia Trung Quốc đã hoàn thành cách ly 14 ngày. Các điểm trung gian khiến dịch bùng phát tại tỉnh Vĩnh Phúc chính là quán bar - karaoke Sunny (TP.Phúc Yên) và Trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen (TP.Vĩnh Yên). Trung bình từ 29.4 tới nay, Vĩnh Phúc ghi nhận 5,2 ca/ngày.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang tiếp tục trở thành ổ dịch lớn trong đợt dịch thứ 4 lần này với 112 ca bệnh (tính đến hết ngày 13.5). Trong đợt dịch thứ 3, tâm điểm của ổ dịch Đà Nẵng là các BV thì trong đợt dịch lần này, các yếu tố lịch sử dịch tễ của các ca bệnh đầu tiên không được xác định rõ ràng. Ca bệnh đầu tiên của Đà Nẵng trong đợt dịch này là nhân viên khu massage khách sạn Phú An (đường 2.9, Q.Hải Châu), tiếp đó là hàng loạt nhân viên, khách hàng của quán bar New Phương Đông (số 20 Đống Đa, Q.Hải Châu), Thẩm mỹ viện Amida (222 Phan Châu Trinh, Q.Hải Châu). Cùng với Bắc Giang, Bắc Ninh, số ca bệnh tại Đà Nẵng đang tăng nhanh trong khoảng 3 ngày trở lại đây và có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Một điểm đáng lưu ý là các chuỗi lây nhiễm tính tới nay đã lây tới chu kỳ thứ 5 (F5 đã trở thành F0) và nằm rải rác ở nhiều tỉnh thành.
|
Bình luận (0)