Dự án nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ có ảnh hưởng đến dân sinh?

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
02/04/2019 14:00 GMT+7

Đối thoại với những người dân phản đối dự án điện mặt trời đầm Trà Ổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định dự án không ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của người dân.

Ngày 2.4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã chủ trì buổi đối thoại với người dân xã Mỹ Lợi (H.Phù Mỹ, Bình Định) về các vấn đề liên quan đến Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ.
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ do Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam (trụ sở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch, dự án được triển khai trên diện tích khoảng 60,6 ha trên đầm Trà Ổ (gồm 60 ha mặt nước và 0,6 ha mặt đất), thuộc địa bàn xã Mỹ Lợi (H.Phù Mỹ), tổng vốn đầu tư khoảng 1.440 tỉ đồng.
Dự án được triển khai xây dựng từ quý 4 năm 2018 và dự kiến đến quý 2 năm 2019 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, người dân sống xung quanh đầm Trà Ổ ở các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thắng nhiều lần tập trung phản đối việc triển khai dự án này.

Lấy đầm, dân làm gì để sinh sống?

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân vẫn búc xúc, phản đối Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ. Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ làm mất sinh kế của hàng trăm hộ dân chuyên đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên đầm. Vì vậy, một số người có ý kiến đề nghị triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời bên ngoài khu vực đầm Trà Ổ.
“Mỗi ngày ra đầm đánh bắt kiếm được 200.000 - 300.000 đồng để sinh sống, nuôi con cái. Bây giờ lấy đầm làm nhà máy điện mặt trời sẽ làm lợi cho doanh nghiệp, cho Nhà nước, còn dân chúng tôi có lợi gì, rồi biết lấy gì mà sinh sống”, một người dân thôn Mỹ Phú Bắc (xã Mỹ Lợi) hỏi.
Nhiều người dân vẫn bức xúc, không đồng tình việc triển khai dự án trên đầm Trà Ổ ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Các ý kiến của người dân tại buổi đối thoại cũng lo ngại việc xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ làm nhiệt độ khu vực xung quanh tăng lên, ảnh hưởng đến môi trường, chủ đầu tư sẽ rào khu vực xung quanh nhà máy không cho dân đánh bắt…
Một số ý kiến đồng tình triển khai dự án nhưng yêu cầu chính quyền và nhà đầu tư phải giải quyết công ăn việc làm cho người dân, chú ý vấn đề môi trường, hỗ trợ điện thắp sáng công cộng cho người dân…
Đến nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tổ chức đối với người dân H.Phù Mỹ về các dự án điện mặt trời 3 lần nhưng vẫn không thể triển khai được dự án. Trong những lần đối thoại trước, những người nêu ý kiến đồng tình triển khai dự án lại bị người khác khủng bố, phá hủy phương tiện đánh bắt... nhưng chính quyền vẫn không can thiệp được.
Tại buổi đối thoại, người dân cũng đề nghị chính quyền quan tâm, xây dựng nhà máy nước sạch tại địa phương, quy hoạch nghĩa trang để chôn cất người chết…

Lãnh đạo Bình Định: Dự án không ảnh hưởng đến môi trường

Giải thích với người dân về Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, ông Trần Châu cho rằng ở những vùng ven biển như H.Phù Mỹ có điều kiện khí hậu và hiện tượng cát bay nên không thể xây dựng các nhà máy công nghiệp hay xây dựng các khu công nhiệp, cụm công nghiệp...
Trong khi đó, đất đai ở khu vực này không màu mỡ, lại khô cằn nên làm nông nghiệp không được, chỉ có trồng cây dương. Nếu trồng cây keo thì cũng không có lợi nhuận cao. Vì vậy, làm năng lượng tái tạo, cụ thể là xây dựng nhà máy điện mặt trời, điện gió là thích hợp để phát triển kinh tế.
Ông Trần Châu giải đáp các thắc mắc của người dân ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ông Trần Châu yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho khảo sát ngay để làm nhà máy nước sạch tại khu vực xã Mỹ Lợi, nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh. Ông Châu cũng đề nghị chính quyền H.Phù Mỹ tiến hành quy hoạch nghĩa trang tại xã Mỹ Lợi, yêu cầu chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ hỗ trợ công trình thắp sáng công cộng địa phương, hỗ trợ kinh phí để thả tôm, cá… nhằm mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ.
Đồng thời, ông Châu cũng khẳng định sẽ chú trọng vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Chắc chắn chủ đầu tư sẽ nhận con em địa phương vào làm việc. Khi làm việc với chủ đầu tư, ngay từ đầu, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đặt vấn đề, yêu cầu chủ đầu tư phải nhận con em địa phương vào làm việc, không để con em địa phương phải tha phương cầu thực”, ông Châu nói.
Theo ông Trần Châu, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời trên đầm Trà Ổ không ảnh hưởng đến môi trường hay quá trình sinh sống của tôm, cá.
“Diện tích đầm Trà Ổ gần 1.300 ha trong khi diện tích làm nhà máy điện mặt trời chỉ có 60 ha nên không ảnh hưởng gì đến đời sống bà con. Con cá vẫn đi dưới nước bình thường, không ảnh hưởng gì. Tôi xin cam đoan với bà con như vậy! Các tấm pin của nhà máy điện mặt trời có nhiệm vụ tiếp thu ánh sáng, tia nắng mặt trời để chuyển thành điện năng, không phát tán ra xung quanh cái gì cả. Vì vậy, nó không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Châu khẳng định.

"Chủ đầu tư không phải là người nước ngoài"

Ông Lê Đức Thoa ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ông Lê Đức Thoa, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam, khẳng định chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ là người Việt Nam, không phải người nước ngoài.
Tổng diện tích mặt nước mà dự án sử dụng trên đầm Trà Ổ là 60 ha nhưng chỉ che phủ 35 ha, phần còn lại người dân vẫn đánh bắt bình thường. Chủ đầu tư cũng không rào chắn trong khu vực dự án mà chỉ đặt các tâm phao để cảnh báo khu vực có lắp đặt pin mặt trời. Nếu được triển khai dự án, hàng năm, nhà đầu tư sẽ bỏ ra 1 tỉ đồng để kết hợp với người dân để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, tại tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm Trà Ổ.
“Trong khi nhà máy vận hành, cùng lắm chỉ có 5 công nhân có trình độ khoa học, còn lại là lao động phổ thông và sẽ ưu tiên cho lao động địa phương”, ông Thoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.