Dữ dội và dịu êm Fukuoka

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/12/2019 10:00 GMT+7

Luôn có hai sắc thái đối lập trong những không gian ở Fukuoka, Nhật Bản. Ồn ào và lặng lẽ, dữ dội và dịu êm. Một phần nào đó giống tính cách những người bản địa mà chúng tôi từng gặp gỡ.

Chìm đắm trong mùa thu

Cuối tháng 11, Fukuoka đón chúng tôi bằng gió mát lạnh và những con đường rợp lá vàng. Trước hành trình, một cô bé đang là du học sinh Trường ĐH quốc tế Tokyo nói: “Chị sang dịp này chuẩn quá. Đang là thời điểm đẹp nhất trong năm của nước Nhật”. Quả nhiên đẹp đến nao lòng. Giơ máy ảnh lên là có ảnh đẹp. Thời tiết có lúc hạ thấp xuống 11 độ C nhưng cái rét không giá buốt. Nắng vàng hanh hao. Hồng trà, bạch trà, đỗ quyên, cúc đủ màu tô điểm trước những căn nhà nhỏ xinh. Lá phong đỏ, lá bạch quả vàng, lá sồi thì xanh thẫm, tất cả hòa cùng nhau làm thành những mảng màu cuốn hút bao la tầm mắt.
Gần 20 ngày, chúng tôi đặt chân tới nhiều TP của tỉnh Fukuoka rộng lớn - miền nam nước Nhật. Luôn có hai sắc thái đối lập nhau ở vùng đất này. Ngay cả ở TP.Kurume, nếu như mặt đường thưa vắng thì dưới ga tàu điện ngầm là một thế giới khác với nườm nượp người qua lại, nhất là sau 6 giờ chiều. Và những người dân Nhật, bên ngoài sự lặng lẽ, không ồn ào và đầy sự khiêm nhường, chúng tôi đã thấy họ với đầy sự trẻ trung, sôi nổi.
Dữ dội và dịu êm Fukuoka1

TP.Hakata sôi động khi đêm về

Những trái tim yêu Việt Nam trên đất Nhật

Ông Mori Nozomu, Phó thị trưởng TP.Kurume, cúi đầu lịch thiệp trước đoàn khách từ Việt Nam trong nghi thức chào xã giao. “Ồ, đây là áo dài truyền thống của Việt Nam phải không, tôi muốn nghe giới thiệu về nó nhiều hơn”, ông mở lời. Ông Mori đã từng sang Việt Nam từ những năm 1999. “Từ sân bay Nội Bài, tôi lên xe buýt vào nội thành và sau đó không biết dừng ở trạm nào để tới khách sạn. Thấy tôi luống cuống, người phụ xe chỉ dẫn giúp, và sau đó không lấy tiền”, kỷ niệm đầu tiên ông Mori có về Việt Nam là một sự thân thiện, hiếu khách.
Những ngày sau, chúng tôi tới TP.Ogori. Ông Ryoko Kagi, Thị trưởng TP chào đón đoàn bằng câu chuyện: “Tôi thích ăn sầu riêng, phở, nhưng mà thật kỳ lạ, khách sạn ở Hà Nội hay TP.HCM có phòng riêng cho hút thuốc nhưng lại không thể mang sầu riêng vào được”. Cả đoàn cười vang. Gần 300 người Việt Nam đang là điều dưỡng, công nhân, thực tập sinh tại Ogori, ông Ryoko Kagi cung cấp thông tin và cho rằng đó là con số không nhỏ đang cùng góp phần xây dựng quê hương ông.
Xuyên suốt hành trình của chúng tôi có một người lặng lẽ, cẩn trọng và tỉ mỉ lo tất cả công việc hậu cần, đó là ông Sugimoto Takao, đang làm việc tại Phòng Quan hệ quốc tế, Bệnh viện Thánh Maria. Việt Nam với ông Sugimoto Takao “giống như quê hương thứ hai”. Người đàn ông với mái tóc muối tiêu nhiều năm trước cùng những chuyên gia xây dựng khu nhà Nhật Bản trong Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Đồng thời, ông cũng là một trong những chuyên gia y tế trở lại Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên nhiều lần, trong các chuyến hợp tác đào tạo y, bác sĩ. “Mỗi khi đi lại trên đường phố Thái Nguyên, bước vào những tiệm ăn nhỏ bên đường, cảm nhận nhịp sống thong thả, bình yên, tôi có cảm giác đang ở TP.Kurume quê hương của mình vậy”, ông Sugimoto Takao trầm ngâm.
Dữ dội và dịu êm Fukuoka2

Lễ hội nhặt lá phong đỏ ở TP.Kurume

Điều thú vị là, ngay cả những người tình cờ gặp gỡ trên đường, vừa nghe thấy chúng tôi giới thiệu đến từ Betonamu (Việt Nam - tiếng Nhật), nhiều người đã reo lên như thể rất thân quen. Trên chuyến tàu từ Hakata về ga Nishitetsu-Kurume, bình thường tàu lao đi rất nhanh, nhưng vì một tai nạn, tàu chạy chậm bất thường. Tôi bắt chuyện với một phụ nữ Nhật, chị ồ lên và khoe với người chồng ngồi bên cạnh “Betonamu, Betonamu”. “Tôi nghe nhiều về Việt Nam, biết nhiều về phở, chả nem, bún chả và rất muốn tới Hà Nội một lần để ăn những món đó. Nhưng tôi chưa có lần nào cả”, chị khẽ nói nhưng khuôn mặt rạng rỡ. Từ lúc đó, chủ đề của chúng tôi đổi liên tục, từ phong cảnh, công việc, ẩm thực cho tới khi hai vợ chồng chị xuống tàu.
Một kỷ niệm không thể quên ở Fukuoka, đó là lần cả nhóm suýt... lạc khi không tìm ra đường về khu học xá ở TP.Kitakyushu, điện thoại không có 3G, trời vừa tối, vừa rét. Đang lơ ngơ, chúng tôi gặp hai cô bé đang trên đường đi học về. “Các chị từ đâu đến ạ?”, họ rụt rè, ngờ vực. “Betonamu”, từ tiếng Nhật rất quen thuộc với chúng tôi từ ngày sang đây. Thái độ hai cô bé thay đổi 180 độ, họ cùng nhau reo: “Để chúng em dẫn các chị về”. Tôi mời hai em ăn bánh rán Doraemon và kể tập truyện tranh có Doraemon, Nobita lớn lên cùng tuổi thơ mình như thế nào, cả hai cô bé đều cười vang: “Em thích Shizuka (Xuka) nhất!”.
Dữ dội và dịu êm Fukuoka3

Những người dân Nhật Bản dễ thương, thân thiện

Duyên hội ngộ nơi đất khách

Fukuoka có những cái “duyên” rất tình cờ. Như một ngày dạo trong cửa hàng đồ cũ, chúng tôi tình cờ gặp một gia đình người Việt Nam. Bạn gái trẻ theo chồng là du học sinh sang đây, ở vùng đất bình yên và ít thiên tai như Fukuoka, bạn bị chinh phục. Cả hai quyết định kết hôn. Ngày chúng tôi gặp, bé trai con của họ đã được 8 tháng. Hay ở một tiệm ăn nhỏ gần ga tàu Kitakyushu, đang loay hoay gọi món bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh và ngôn ngữ cơ thể thì bỗng nhiên một cô bé đeo tạp dề chạy ra từ nhà bếp: “Em chào các anh chị ạ”. Cô bé tên Mỹ, 23 tuổi, quê ở Đồng Nai, đang là học sinh trường tiếng Nhật, tranh thủ làm thêm, từ đó là người bạn của đoàn chúng tôi.
Bất ngờ hơn, giữa nước Nhật xa xôi, tôi đã gặp hai người bạn đồng hương, chúng tôi cùng trưởng thành từ một mái trường THPT. Đó là chị Lê Lệ Thủy, điều phối kiêm phiên dịch viên cho cả đoàn, đang định cư tại Nhật, là học sinh chuyên văn từ năm 1989. Anh Hoàng Tiến Hưng, đang là Bí thư Đoàn thanh niên của Tập đoàn VNPT, cựu học sinh chuyên lý năm 2000, cùng là đại biểu trẻ chương trình của JICA. Chúng tôi cùng hẹn nhau một ngày không xa sẽ trở về, nơi mái trường xưa.
Vì cuộc đời là những chuyến đi, đi thật xa để trở về, có một nơi để trở về, nơi đó chính là quê hương…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.