Đó là nhận định của đại tá Phan Mạnh Trường, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Công nghệ cao (C50) - Bộ Công an với PV Thanh Niên.
Sáng 8.4, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty CP Modern Tech (trụ sở ở lầu 9 của một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) giăng băng rôn tố cáo công ty này lừa mua tiền kỹ thuật số (tiền ảo - PV), chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng và “cầu cứu” cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Liên quan vụ việc này, các đơn vị phụ trách của Công an Q.1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đến thời điểm hiện tại chưa nhận được thông tin tố cáo của các nạn nhân. Lãnh đạo của các đơn vị này khẳng định nếu nhận được đơn thư tố cáo của những người có liên quan sẽ tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.
Không có hình thức kinh doanh nào lợi nhuận gần 50%
Trả lời PV Thanh Niên, đại tá Phan Mạnh Trường cho biết đến thời điểm này chưa nhận được đơn tố cáo nào. Tuy nhiên từ trước đến giờ, C50 đã làm nhiều vụ án liên quan đến việc lừa đảo bằng cách kinh doanh đa cấp biến tướng dưới hình thức đầu tư, huy động tài chính...
“Tôi thấy thông tin trên báo chí “nếu tham gia dự án Ifan, Pincoin sẽ được hưởng lãi suất khủng 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng. Ngoài ra, mỗi nhà đầu tư khi lôi kéo được thêm người mới tham gia hệ thống sẽ nhận được hoa hồng là 8% trên tổng số tiền mà người mới tham gia vào”. Các đối tượng đánh vào lòng tham của người dân, làm gì có một hình thức kinh doanh nào mà lợi nhuận gần 50% như vậy”, đại tá Trường đánh giá.
Đại tá Trường phân tích, người dân vì lòng tham nên mới tin vào những hình thức kinh doanh tiền ảo. Các đối tượng lợi dụng từ việc đầu tư đồng tiền bitcoin lợi nhuận kinh khủng quá nên tạo ra một loại đồng tiền mới và “nổ” rằng đồng tiền này sẽ có lợi nhuận cao. Lấy chiêu bài đồng tiền mới sẽ phát phát triển như đồng bitcoin, các đối tượng kêu gọi hàng chục ngàn người tham gia đầu tư vào loại hình được cho là “siêu lợi nhuận” này.
"Sau đó, các đối tượng tận dụng loại hình đa cấp, tức là chỉ cần giới thiệu thêm người đầu tư sẽ có lợi nhuận, được chia phần trăm của người anh giới thiệu, càng nhiều người tham gia vào thì càng tốt. Và ngày càng nhiều người đầu tư vào đồng tiền này. Ban đầu ít người tham gia họ sẽ có lợi nhuận nhưng khi người tham gia đầu tư càng nhiều, số lượng tiền càng lớn thì các đối tượng đóng cửa ôm tiền bỏ chạy", đại tá Trường cho biết thêm.
Có dấu hiệu hình sự
Theo đại tá Trường, trước đây các vụ việc C50 triệt phá bản chất tương tự như vậy, nhưng ngày xưa gọi là hình thức lừa đảo đầu tư tài chính, huy động vốn dưới hình thức đa cấp, đầu tư mua vàng ảo, còn bây giờ là lừa đảo thông qua đồng tiền ảo. Thực tế, bản chất các vụ việc tương đối giống nhau.
Ông Trường ví dụ việc C50 từng điều tra, triệt phá đường dây lừa đảo bằng cách kinh doanh đa cấp biến tướng dưới hình thức đầu tư ví dụ như vụ Công ty Tâm Mặt Trời (trụ sở tại TP.HCM) tự tạo ra các gian
hàng ảo, lừa bán hơn 23.000 gian hàng ảo chiếm đoạt hơn 121 tỉ đồng và các vụ án lừa đảo lợi dụng hình thức đa cấp….
Đại tá Trường cho rằng thay vì giăng băng rôn trước Công ty Modern Tech, người dân nên tố cáo hành vi của các đối tượng đến cơ quan công an để được xử lý, giải quyết, đưa các đối tượng ra ánh sáng. Không loại trừ khả năng những người mang băng rôn đi tố cáo đó còn lôi kéo, kêu gọi nhà đầu tư để được hưởng lợi nhuận hoặc họ là đại lý cấp dưới của các đối tượng cầm đầu.
Đại tá Trường khẳng định vụ việc này có dấu hiệu của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Điều 226b bộ luật Hình sự.
Bình luận (0)