Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết sáng 14.7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg do Bộ LĐ-TB-XH.
Theo ông Khang, thống kê của các cấp công đoàn, có gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm từ cuối tháng 4 đến nay.
“Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã bùng phát mạnh tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động. Cả nước có khoảng 60.000 công nhân là F1, 160.000 người là F2. Đáng chú ý, gần 9.500 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại 35 tỉnh, thành, chiếm hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày”, ông Khang thông tin.
Thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM, hơn 1.800 ca nhiễm là công nhân, tính đến ngày 7.7. Ngày 13.7, Công ty Pouyuen với 56.000 công nhân, đông nhất TP HCM, đã phải tạm dừng hoạt động 10 ngày để sắp xếp lại công tác phòng dịch. Chính quyền yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ người lao động.
Tại Đồng Nai, Công ty Pouchen (Biên Hòa) đã cho gần 17.000 công nhân nghỉ 14 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm.
Trước đó, Bắc Giang đã phải dừng hoạt động 4 khu công nghiệp phòng dịch, ảnh hưởng gần 140.000 lao động.
Dự báo thời gian tới số lượng công nhân bị ảnh hưởng vẫn sẽ tăng, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, các cấp ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 26.000 tỉ đồng. Gói an sinh có nhiều nhóm thụ hưởng là công nhân, người lao động phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng hoặc mất việc.
“Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB-XH giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định.
Bình luận (0)