Liên quan vấn đề này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng phẫu thuật bằng phương pháp vô cảm gây tê giá sẽ rẻ hơn gây mê trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài ra, nếu gây mê thì còn kèm theo hỗ trợ thở, kỹ thuật viên... chênh lệch trung bình khoảng 500.000 đồng/ca.
Do vậy, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế phải ban hành phân loại rành mạch phẫu thuật nào là gây tê, loại nào là gây mê để căn cứ mà thanh toán chứ không làm theo kiểu kỹ thuật vô cảm nào cũng thanh toán như nhau.
Quan điểm của người giữ “túi tiền” như BHXH có thể là nhằm tiết kiệm quỹ, chi trả đúng kỹ thuật thực hiện, cũng là nhằm “khống chế” sự “vung tay” của các cơ sở y tế. Nhưng ở thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế cho rằng trong khi Bộ Y tế chưa xây dựng rạch ròi kỹ thuật nào gây mê, gây tê hoặc tổng hợp cả hai, thì BHXH VN không thể tự ý “treo”, trừ tiền phẫu thuật của các cơ sở y tế, mà phải căn cứ Thông tư 38/2018 và 13/2019 về giá dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành...
BHXH Việt Nam đang giữ tiền, các cơ sở khám, chữa bệnh là nơi thực hiện chi tiêu tiền, nhưng người hưởng thụ kỹ thuật là bệnh nhân. Gây tê hay gây mê, hay thực hiện cả hai sẽ tùy thuộc từng ca phẫu thuật, theo chỉ định của các bác sĩ với mục tiêu tối cao là an toàn sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, đề nghị của BHXH Việt Nam không phải không có căn cứ.
Vì vậy, ngành y tế cần đẩy nhanh việc xây dựng giá phẫu thuật bằng gây tê, gây mê nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên: quỹ BHYT (mà đại diện là BHXH Việt Nam), cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh, theo tiêu chí đặt sức khỏe của người bệnh lên hàng đầu. Đó là mới là mục tiêu trong chính sách an sinh của BHYT.
Bình luận (0)