Giảm số ca Covid-19 tử vong là ưu tiên hàng đầu

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/08/2021 06:05 GMT+7

'Việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu...', Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên và giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Hôm qua (15.8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng chống dịch Covid-19 với các tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

“Nếu để kéo dài sẽ không có nguồn lực chống dịch”

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhận định: Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.HCM và một số địa phương lân cận. Một số nơi ở miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều tỉnh hằng ngày số người nhiễm rất nhiều, ca bệnh tăng liên tục, trong khi năng lực điều trị tại chỗ rất hạn chế cả về người và trang thiết bị y tế, dù có sự chi viện của T.Ư cũng như các tỉnh, thành khác.
Đối với 19 tỉnh, thành phố phía nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào tại một số địa phương sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, được coi là vùng xanh an toàn gồm 8 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh; ở khu vực Tây nguyên là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng. Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện di chuyển qua hầm đèo Hải Vân (nối Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế).
Tất cả lái xe, người đi trên xe khi ra, vào những địa phương này đều phải xét nghiệm nhanh. Ông Đam lưu ý Bộ Y tế khi phân bổ vắc xin cho các tỉnh phải tính toán có đủ để tiêm cả 2 mũi đối với một số loại không thể tiêm kết hợp với nhau. Từ nay đến hết tháng 9.2021, chúng ta phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để có nhiều vắc xin nhất, tiêm nhanh nhất có thể cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm ngay trong ngày 15.8 sẽ gửi lấy ý kiến và ban hành hướng dẫn về tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh cho phù hợp với tình hình tại các địa phương.
Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này.
Thủ tướng lưu ý các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác. "Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế, xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng y tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Không coi F0 chưa triệu chứng là người bệnh

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các địa phương, khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”, không để dịch lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng. Phải phòng ngừa nghiêm, phát hiện nhanh, xử lý sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn một bước. Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm.
“Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần "thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp”, Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà).
“Lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ TT-TT chủ trì hoàn thành các nền tảng công nghệ trên cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp các công cụ để các bộ ngành, địa phương sử dụng; đo các chỉ số di chuyển hằng ngày ở các địa phương để biết được người dân di chuyển thế nào khi thực hiện Chỉ thị 15, 16… Bộ LĐ-TB-XH được yêu cầu kịp thời cập nhật đối tượng cần hỗ trợ; nghiên cứu, mở rộng mô hình túi an sinh của TP.HCM. Thủ tướng khẳng định Chính phủ thống nhất hỗ trợ hoàn toàn việc mai táng bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phải gặp gỡ và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp tại địa phương, đồng thời khẳng định Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc hỗ trợ về xét nghiệm, tổ chức ăn ở cho công nhân… để duy trì sản xuất và thúc đẩy sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữ chuỗi cung ứng không đứt gãy…
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm, người nhiễm bệnh có triệu chứng, người bệnh tăng nặng…, giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp chăm sóc, điều trị. Tổ chức việc huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số mắc bệnh lớn, nhiều bệnh nhân nặng như TP.HCM, Bình Dương; hướng dẫn cách làm các túi thuốc an sinh, cấp miễn phí và hướng dẫn các F0 tại nhà sử dụng.
Để giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể, như: ưu tiên tiêm, bao phủ vắc xin cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi; loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau; tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế; nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất; Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã, tăng cường trang thiết bị, ô xy, giường ICU (hồi sức tích cực)...

Nghiên cứu tiêm vắc xin cho học sinh

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 15.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, đồng thời nghiên cứu kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh.
“Việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Vắc xin là chiến lược, nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.