Thông tin tại hội nghị trực tuyến triển khai gói an sinh xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức vào sáng 5.8, TP.HCM sẽ triển khai các gói an sinh xã hội khoảng 900 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn; hỗ trợ đợt 2 cho lao động tự do theo Nghị quyết 09...
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM lưu ý các địa phương cần phải cố gắng quản lý để đảm bảo không một hộ dân nào bị sót trong việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội lần này.
"Lưới an sinh xã hội không được để xảy ra trường hợp hộ nào khó khăn mà chưa được giúp đỡ. Ngoài ra, phải biết được rằng người khó khăn đã được giúp đỡ một lần nhưng đã dùng hết nguồn được hỗ trợ thì địa phương phải chăm lo thêm", bà Châu nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM lưu ý các địa phương cần tuyên truyền, vận động, phát huy tất cả lực lượng trong hệ thống chính trị tại địa phương để vừa tham gia phòng chống Covid-19 cộng đồng vừa thực hiện các nội dung hoạt động an sinh xã hội.
"Là đảng viên, không thể nào không biết được ở cạnh nhà mình, ở trong khu phố mình, hàng xóm mình có trường hợp khó khăn. Và khi đã biết thì cần giúp đỡ, có thể là giúp đỡ cá nhân, hoặc nếu không đủ sức cần phải báo với tổ trưởng tổ dân phố, khu phố để liên hệ với chính quyền địa phương phường xã, quận huyện để chăm lo kịp thời", bà Châu lưu ý và cho rằng đó là đầu mối hết sức quan trọng, thể hiện tinh thần của một người đảng viên lúc này, chính là làm sao những người dân nhận được hỗ trợ, không bị đói.
Bà Châu đề nghị "các đầu mối cơ sở phải báo cáo cấp ủy để quán triệt xuyên suốt, phía mặt trận sẽ tham gia giám sát. Làm sao đó, phát huy tinh thần đảng viên nơi cơ sở, đảng viên giúp nhau và đảng viên giúp dân, có thể bằng nhiều hình thức như giúp bằng tiền, bằng hỗ trợ cá nhân hay qua mối liên kết, liên hệ".
Bà Tô Thị Bích Châu cho hay hiện nay đâu đó vẫn còn tình trạng chăm lo trùng lắp và bỏ sót. Bà Châu dẫn chứng, tại một tổ dân phố trên địa bàn Q.12 khi tổ trưởng, tổ phó bị nhiễm Covid-19 thì người dân tại khu vực không nhận được nhiều sự quan tâm xuyên suốt, không biết phản ánh với ai. Hay tại một nơi ở H.Bình Chánh, có trường hợp người dân đã nhận hỗ trợ rất nhiều rồi nhưng vẫn lên mạng xã hội phản ánh, kêu cứu.
"Địa phương phải nắm chắc địa bàn, quản lý chặt chẽ. Người dân nào bị đói lả là lỗi của chúng ta”, bà Châu nói và cho biết thêm, ngoài nguồn kinh phí từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của TP.HCM chuyển về thì các quận huyện và TP.Thủ Đức có thể tranh thủ các nguồn vận động tự thân của cơ sở mình để chăm lo thêm cho những hộ đặc biệt khó khăn hơn, có nhiều nhân khẩu hơn, có người nhà bị bệnh, nhà có trẻ em, nhà có phụ nữ mang thai…
Bình luận (0)