Hà Nội cấp giấy đi đường QR Code: Doanh nghiệp, người dân thấp thỏm lo lắng

Mai Hà
Mai Hà
04/09/2021 16:00 GMT+7

Chỉ còn 2 ngày chính thức áp dụng cấp giấy đi đường QR Code, xong những hướng dẫn chưa rõ ràng khiến người dân và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đều thấp thỏm.

Nhà "vùng đỏ" chỗ làm "vùng cam"

Anh K., Giám đốc phụ trách nhân sự tại một công ty nước ngoài có trụ sở tại Khu công nghiệp Nội Bài - H.Sóc Sơn (Hà Nội), cho biết rất hoang mang khi nhận được thông tin về những điều chỉnh trong quy định cấp Giấy đi đường mới của Hà Nội. Nhà anh thuộc "vùng đỏ" trong khi địa điểm công ty làm lại thuộc "vùng cam".
“Sáng nay khi chúng tôi hỏi đồn công an Khu công nghiệp hay UBND xã nơi công ty đặt trụ sở là đầu mối tiếp nhận, thì cũng chưa rõ bên nào là đầu mối. Tới chiều nay, theo thông tin được biết thì huyện mới họp để triển khai hướng dẫn các đối tượng được cấp và quy trình cấp”, anh K. cho biết.
Dù ủng hộ chủ trương chia vùng giãn cách, siết chặt để chống dịch của Hà Nội, song theo anh K., cách triển khai quá gấp, trong khi các hướng dẫn bằng văn bản lại chưa cụ thể, khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện. Vướng mắc lớn nhất là trong 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp Giấy đi đường, không quy định các doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất để không đứt gãy, mà chỉ quy định các nhóm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ công.
Riêng công ty của anh có vài trăm công nhân sống tại các quận nội thành thuộc vùng đỏ, các điểm khác như H.Mê Linh, Sóc Sơn có vài nghìn công nhân. “Với khối lượng lớn cả nghìn công nhân, trong khi mỗi khu công nghiệp từ vài chục đến cả trăm doanh nghiệp, lại gửi hồ sơ qua mail cho cảnh sát khu vực hay xã thì sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý. Trong khi trường hợp chưa kịp được cấp Giấy đi đường thì thế nào, chúng tôi dùng giấy cũ đi lại có bị xử phạt hay không, cũng chưa có hướng dẫn”, anh K. nói.
Không chỉ doanh nghiệp này, phần lớn các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất khác đều tốn thêm rất nhiều chi phí, như test 3 ngày/lần cho công nhân, chi phí phát sinh thuê chỗ ăn, chỗ ở cho người lao động. Nếu không được tạo điều kiện hoạt động, các doanh nghiệp ngừng sản xuất sẽ ảnh hưởng xấu đến chuỗi sản xuất, khó thực hiện được “mục tiêu kép”.
Chị H., nhân viên tại một công ty có trụ sở tại P.La Khê (Q.Hà Đông) cho biết, sáng nay đã liên hệ với công an phường, thì được cho số của công an khu vực. Sau đó nhận được hướng dẫn gửi các thông tin qua Zalo gồm: tên công ty, địa chỉ, người đại diện, số điện thoại liên hệ, số lượng nhân viên, email, lĩnh vực kinh doanh. Sau khi gửi, chị vẫn đang chờ thêm phản hồi và hướng dẫn.
“Lãnh đạo công ty đã tính đến tình huống xấu nhất khi không kịp nhận được giấy đi đường là nhân viên công ty xuống làm việc 3 tại chỗ tại Hà Nam. Nhưng 3 tại chỗ cũng rất phức tạp nên mọi người đều rất lo lắng”, chị H. nói.

Người Hà Nội đi từ vùng đỏ sang vùng cam và xanh ra sao trong dịch Covid-19?

Ngày mai, các điểm cấp giấy sẽ rất đông

Trong khi đó, tại cuộc kiểm tra các chốt kiểm soát của lãnh đạo TP.Hà Nội sáng nay, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, việc cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng đã được Công an TP tổ chức triển khai thực hiện từ sáng nay, 4.9. Các cơ quan, đơn vị nếu đảm bảo đủ điều kiện, đúng quy định là Công an thành phố sẽ cấp luôn ngay trong ngày.
Ông Trung cũng cho hay, ngày mai (5.9), dự kiến lượng người đến các điểm cấp giấy đi đường sẽ đông. Công an TP đã có sự chuẩn bị để chủ động tổ chức thực hiện bảo đảm việc cấp giấy nhanh chóng, đúng đối tượng...
Dự kiến có 30 - 35 lối đi qua các con sông vào Vùng 1 sẽ được “đóng cứng”, không cho người và phương tiện đi qua. Công an TP cũng đã phối hợp triển khai 21 chốt kiểm soát dịch Covid-19 đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao tại Vùng 1 (vùng đỏ).

Bản tin Covid-19 ngày 4.9: Cả nước 9.521 ca nhiễm mới | Thận trọng với bài toán “mở cửa” ở TP.HCM

Hà Nội đang dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp Giấy đi đường, gồm:
Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được quy định tại chỉ thị 16.
Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định.
Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.
Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.
Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.
Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.
Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.