Hai bệnh nhân người Việt đầu tiên được ghép ruột thành công

Liên Châu
Liên Châu
31/10/2020 13:49 GMT+7

Với hai bệnh nhân đầu tiênđược ghép ruột non thành công tại Bệnh viện quân đội 103 (Học Viện quân y), Việt Nam là quốc gia thứ 20 thực hiện được kỹ thuật này.

Sáng nay, 31.10, lãnh đạo Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), đã thông báo về 2 ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam. Hai ca ghép thực hiện thành công với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản.
Một trong hai bệnh nhân được ghép tạng (ruột non) là anh Nguyễn Văn D. (42, tuổi kỹ sư máy tính) quê ở H.Thạch Thất, Hà Nội, sống tại TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần tại một số bệnh viện vì bị viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột. Trong quá trình điều trị, từ tháng 5.2007, bệnh nhân đã phải cắt ruột khối lượng lớn nên chiều dài ruột non còn lại chỉ khoảng 80 cm (trong khi ruột của người bình thường dài trung bình 5 - 6 m). Bệnh nhân này đã bị suy ruột non không hồi phục do hội chứng ruột ngắn týp 1.
Bệnh nhân D. nhập viện điều trị tại Bệnh viện quân đội 103 (thuộc Học viện Quân y) từ tháng 5 vừa qua trong tình trạng suy kiệt nặng, trọng lượng cơ thể chỉ nặng 36,8 kg, thường xuyên bị nôn.
Ngày 28.10, bệnh nhân T. được ghép ruột từ người hiến ruột là Nguyễn Mạnh S. em ruột của bệnh nhân.
Trước đó, ngày 27.10, bệnh nhân được ghép ruột là Lò Văn T. 26 tuổi, dân tộc Thái, ở Lai Châu. Bệnh nhân T. bị suy chức năng ruột do hội chứng ruột ngắn týp 3. Phần ruột non còn lại của bệnh nhân chỉ còn 20 cm, là tình trạng ruột cực ngắn.
Đáng lo ngại, bệnh nhân này đã bị bệnh gan liên quan chức năng ruột (men gan tăng cao hơn 8 lần so với bình thường) kéo dài. Nếu không ghép ruột, gan sẽ tổn thươmg, mất chức năng gan, bệnh nhân sẽ phải ghép cả ruột, cả gan, rất phức tạp.
Với tình trạng này, bệnh nhân T. có chỉ định ghép ruột tuyệt đối. Người hiến ruột ghép cho bệnh nhân T. là bà Lò Thị E. mẹ đẻ của bệnh nhân.

Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép ruột 

Tại họp báo, lãnh đạo Học viện quân y cho hay, các trường hợp hiến ruột sẽ được lấy 1 m ruột để ghép cho người nhận. Sau hiến ruột khoảng 1 tháng, các chức năng ruột và sinh hoạt của người hiến sẽ bình thường trở lại.
Với 2 bệnh nhân sau ghép ruột, hiện đang có chỉ số sinh tồn ổn định, được theo dõi, điều trị tích cực.
Theo GS - TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, trong ghép ruột đòi hỏi phẫu thuật viên thực hiện thuần thục, chính xác khi ghép các mạch máu nuôi ruột, để đảm bảo ruột sau ghép được máu đến nuôi dưỡng tốt, không bị hoại tử.

Bệnh nhân được theo dõi chỉ số sinh tồn sau ghép ruột non. ẢNH HỌC VIỆN QUÂN Y CUNG CẤP. 

Đặc biệt, GS Quyết cũng chia sẻ, sau ghép ruột, các thầy thuốc đối mặt rất lớn với thải ghép, tình trạng nhiễm trùng, do đặc thù của chức năng ruột. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và tiến bộ trong điều trị hồi sức cho bệnh nhân sau ghép tạng, các y bác sĩ tại Bệnh viện 103 hoàn toàn làm chủ kỹ thuật. Việc sử dụng thuốc chống thải ghép trước và sau mổ cũng được đảm bảo tối ưu cho bệnh nhân.
Theo GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam,  trong cơ thể có các tạng: thận, gan, tim, tụy, phổi, ruột cần được ghép khi đã mất chức năng, giúp cứu sống cho người bệnh. Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên (là ca ghép thận) từ 28 năm trước, và hiện đã ghép ruột thành công sau khi làm chủ các kỹ thuật ghép: thận, gan, tụy, tim, phổi.
GS Quyết cho biết thêm, với thành công của 2 ca ghép ruột, Việt Nam là nước thứ 20 trên thế giới thực hiện và làm chủ được kỹ thuật này. Ghép ruột non được chỉ định cho các trường hợp teo ruột, mất chức năng ruột do một số bệnh lý và bệnh bẩm sinh.
Theo thống kê tại Nhật, hơn 43% bệnh nhân sống thêm 10 năm sau khi được ghép ruột.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.