Tại đợt tập huấn, chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết: Cùng với các yếu tố như: di truyền, giới tính, tuổi tác, môi trường, bệnh lý, thì lối sống (bao gồm dinh dưỡng, vận động) đều tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng gây thiếu hụt các vitamin (A, C, D, B12, kẽm, a xít folic).
Trong khi đó, thiếu hụt đạm (chất có vai trò cung cấp năng lượng, sửa chữa các tế bào mô của da, cơ) sẽ làm tổn thương hàng rào bảo vệ, ngừa nhiễm khuẩn. Thiếu hụt chất béo, chất xơ cũng tác động xấu đến hệ miễn dịch của cơ thể. Suy dinh dưỡng ở người bệnh làm chậm thời gian hồi phục, chậm liền vết thương.
Do đó, để tăng hiệu quả điều trị các ca bệnh Covid-19 có bệnh mãn tính hoặc trong quá trình điều trị các bệnh nhân nặng khác, trong phác đồ điều trị, các bệnh nhân này cần được áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt, cần can thiệp dinh dưỡng sớm, với khẩu phần ăn hoàn chỉnh, cân bằng các vi chất, đạm, chất xơ, đường, chất béo giúp tăng cường hệ tiêu hóa, bảo vệ sức khỏe tim mạch, kiểm soát đường huyết và tăng cường cho hệ miễn dịch, tránh để bệnh nhân suy kiệt.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong quá trình điều trị và hội chẩn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam đều có sự tham gia của các bác sĩ dinh dưỡng lâm sàng. Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, giúp nâng cao thể trạng, tăng khả năng chống đỡ trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn).
Theo các chuyên gia về điều trị tích cực, một điều tra từ 10 năm trước tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy 30 - 50% bệnh nhân nặng tại các khoa tiêu hóa, thần kinh, đái tháo đường, hồi sức tích cực bị suy dinh dưỡng.
Bình luận (0)