Ngày 10.11, ông Trần Văn Hiện, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau xác nhận với PV Thanh Niên việc ông đã ký văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án số 47/2020/KDTM-PT, ngày 12.8.2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Theo văn bản của HĐND tỉnh Cà Mau, bản án số 47/2020/KDTM-PT ngày 12.8.2020 của Tòa cấp cao tại TP.HCM có nhiều điểm chưa phù hợp quy định pháp luật.
Trong đó, bao gồm 2 nội dung chính là vụ việc đã hết hiệu lực khởi kiện nhưng hai cấp tòa vẫn thụ lý giải quyết; nội dung tuyên án không thể thi hành án được.
Về tính hiệu lực, HĐND tỉnh Cà Mau cho rằng vợ chồng bà Nguyễn Thị Bắc (67 tuổi, tạm trú P.8, TP.Cà Mau, Cà Mau) và ông Vũ Trọng Hùng (70 tuổi), nguyên đơn kiện đòi ông Trần Văn Tùng (47 tuổi, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, Cà Mau) hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trị giá khoảng 30 tỉ đồng.
Cả hai hợp đồng này được ký trên 3 năm tính đến ngày vợ chồng bà Bắc khởi kiện. Trong khi luật định tại điều 132 và điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu giải quyết vụ án này là 3 năm.
HĐND tỉnh Cà Mau nhận định, theo quy định trên, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn thụ lý đối với việc bà Nguyễn Thị Bắc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐCNCP ngày 8.12.2012 và ông Vũ Trọng Hùng khởi kiện yêu cầu Tòa án Hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐCNCP ngày 2.3.2016 là không phù hợp theo quy định.
Về nội dung thi hành án, theo văn bản của HĐND tỉnh Cà Mau, nội dung tòa phúc thẩm tuyên án đã không tuyên buộc ông Trần Văn Tùng phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cổ phần, do đó không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, nên không thực hiện được biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Theo văn bản của HĐND tỉnh Cà Mau, nội dung vụ án thể hiện vào năm 2004, vợ chồng bà Bắc lập Công ty TNHH Nam Bắc, đầu tư dự án khu đô thị Bạch Đằng ở TP.Cà Mau. Năm 2012 và 2016, vợ chồng bà Bắc lần lượt chuyển nhượng cổ phần cho ông Trần Văn Tùng. Khi ông Tùng nắm trên 90% giá trị cổ phần công ty, đã chuyển tên làm chủ công ty, vợ chồng bà Bắc rút khỏi vị trí làm chủ công ty này.
Đến tháng 6.2019, vợ chồng bà Bắc kiện ông Tùng, đòi hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, trả lại công ty.
Vợ chồng bà Bắc cho rằng 2 hợp đồng trên là giả cách, nhầm nhờ ông Tùng đứng tên giúp để xử lý một số vấn đề tài chính khó khăn lúc bấy giờ, không phải thực.
Trong khi ông Tùng cho rằng hợp đồng này là thực, ông đã chuyển nhượng và thanh toán bằng cách nhận nợ ngân hàng thay vợ chồng bà Bắc.
Tòa sơ thẩm tuyên bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của vợ chồng bà Bắc.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện cho biết ông cũng đã ký văn bản gửi đến Ban Dân nguyện Quốc hội, kiến nghị đối với bản án phúc thẩm trên cần được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật
Bình luận (0)