Hỗ trợ đồng hương ở vùng dịch

Nhiều tỉnh, thành miền Trung lập kế hoạch hỗ trợ tại chỗ hoặc tổ chức đón đồng hương kèm theo những điều kiện đảm bảo an toàn để rời vùng dịch, chủ yếu là ở TP.HCM. Mỗi địa phương có sự chuẩn bị và phương án khác nhau...

Linh hoạt đáp ứng nhu cầu người dân

Câu chuyện các địa phương chủ động đón công dân của mình rời vùng dịch TP.HCM trở về và cách ly y tế đang được dư luận quan tâm từ nhiều ngày nay. “Mô hình” đưa người dân ra khỏi vùng dịch một cách an toàn (có phối hợp, có xe đưa đón, giám sát hành trình, đưa về địa phương cách ly…) được áp dụng từ đợt dịch thứ 2 vào tháng 7.2020, khi TP.Đà Nẵng là tâm dịch.
Hôm qua 14.7, đã có 18 người Đà Nẵng về từ vùng dịch (trong đó có TP.HCM) và được cách ly y tế, nâng tổng số người từ vùng dịch được TP.Đà Nẵng tiếp nhận là 755 người. Những chuyển động về chính sách trong vòng nửa tuần qua cho thấy Đà Nẵng rất linh hoạt và quan tâm đến điều kiện, nhu cầu của người trở về.
Cụ thể, từ ngày 6.7, Đà Nẵng có chủ trương bắt buộc cách ly y tế tập trung 21 ngày đối với người về từ vùng dịch tại các cơ sở lưu trú đủ điều kiện. Có 3 khách sạn được lựa chọn và công khai giá phòng, giá xét nghiệm… để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, mức giá phòng đưa ra được dư luận đánh giá hơi “rát” trong điều kiện lưu trú dài ngày. Vì vậy, UBND TP.Đà Nẵng lập thêm khu cách ly tập trung để mở rộng điều kiện cho người dân lựa chọn.
Cụ thể, hôm 9.7, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh chỉ đạo những ai không có nhu cầu cách ly tập trung tự trả phí tại khách sạn thì chọn cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung, mức phí thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và tất nhiên sẽ “mềm” hơn.
Khu cách ly y tế tập trung tại Khu Giáo dục quốc phòng và an ninh ĐH Đà Nẵng khẩn trương thiết lập tại Q.Ngũ Hành Sơn. Các quận, huyện khác được giao sẵn sàng thiết lập khu cách ly y tế tập trung F1 và đón người về từ vùng dịch khi cần thiết. Sở Du lịch cũng đang phối hợp lập danh sách các khách sạn đủ điều kiện nhưng lưu ý phải có mức giá phù hợp…

Các nhóm thiện nguyện mang hàng gửi theo chuyến bay từ Cảng hàng không Phú Bài vào TP.HCM sáng 14.7

ảnh: Đức Minh

Chủ động phân luồng

Ở địa bàn giáp ranh phía nam, Quảng Nam cũng đang duy trì 31 khu cách ly tập trung, trong đó có 16 khu cách ly có thu phí (chủ yếu là khách sạn), còn lại không thu phí. Hiện các khu cách ly không bị quá tải mà có thể tiếp nhận thêm các công dân từ các vùng có dịch, sức chứa lên đến gần 10.000 người. Chốt kiểm soát (lập từ cuối tháng 5) tại ga Tam Kỳ đang được sử dụng để phân luồng hành khách, trong đó lưu ý người về từ TP.HCM để hướng dẫn kê khai và đến các khu cách ly tập trung theo nhu cầu.
Sau khi Bộ GTVT có quyết định tạm dừng các chuyến bay từ TP.HCM đến Quảng Nam và ngược lại (từ ngày 2.7) qua sân bay Chu Lai để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, Quảng Nam cũng lập “khu vực bàn giao” tại Trường ĐH Nội vụ Hà Nội đóng ở TX.Điện Bàn để đón người từ TP.HCM về qua cửa ngõ sân bay Đà Nẵng. Những hành khách này được tiếp nhận, đưa vào “khu vực bàn giao” để lấy mẫu xét nghiệm trước khi chuyển đến các khu cách ly tập trung.
Người đi tự do từ TP.HCM về Quảng Nam sẽ phải cách ly tập trung 21 ngày; các trường hợp về theo yêu cầu từ phía TP.HCM (nhằm giảm mật độ người tại TP.HCM) thì cách ly tại nhà và xét nghiệm 3 lần theo yêu cầu của Bộ Y tế. Ngoài ra, địa phương linh hoạt phân chia thành các nhóm: phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà, không ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố trong thời hạn nhất định.
Hỗ trợ đồng hương ở vùng dịch

Nhóm thiện nguyện ở Thừa Thiên -Huế gấp rút làm 10.000 thẩu ruốc thịt gửi vào TP.HCM

ẢNH: Đ.H

Kích hoạt “phương án tại chỗ”

Hôm qua 14.7, chuyến bay chở 127 y bác sĩ (của Bệnh viện T.Ư Huế, Sở Y tế và sinh viên tình nguyện Trường ĐH Y dược Huế Thừa Thiên - Huế) chi viện TP.HCM có chở theo gần 4 tấn hàng gồm thiết bị y tế, thực phẩm. Ngoài ra, có thêm khoản kinh phí hơn 700 triệu đồng do các tổ chức, doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế đóng góp chuyển vào TP.HCM để kịp thời hỗ trợ đồng hương.
Ngoài “kế hoạch bài bản” đang xúc tiến, việc kết nối với Hội đồng hương tại TP.HCM được xem là phương án trước mắt được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lựa chọn, trong đó địa phương muốn tổ chức ngay “đại diện” của mình tại vùng dịch. Trung tâm này sẽ công bố số điện thoại và các cơ chế liên lạc để đồng hương gặp khó khăn liên hệ để được hỗ trợ.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói: “Thay vì “giải cứu” về địa phương trong thời điểm hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn, thì đây là phương án kịp thời nhất để hỗ trợ công dân Thừa Thiên - Huế tại TP.HCM. Sau khi trung tâm này hình thành xong, sẽ có thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin để người dân được biết”.
Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng đã vừa thông qua Hội đồng hương tại TP.HCM gửi lời hỏi thăm người lao động Quảng Nam đang làm ăn xa quê. Đồng thời, đề nghị Hội đồng hương làm đầu mối thu thập thông tin những người thực sự gặp khó khăn để đề xuất UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ.
Trước mắt, ông Lê Trí Thanh đề nghị người dân chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch Covid-19 của chính quyền TP.HCM, không tìm cách trốn về quê. Trong trường hợp thật sự có nhu cầu trở về thì đăng ký qua Hội đồng hương để tập hợp danh sách, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM làm căn cứ để được hướng dẫn việc xét nghiệm và trao đổi thông tin với UBND tỉnh Quảng Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.