Không giao trung tâm dịch vụ việc làm đưa lao động ra nước ngoài làm việc

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
11/09/2020 22:21 GMT+7

Góp ý cho dự thảo luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng không nên để trung tâm dịch vụ việc làm của nhà nước đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chiều 11.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Hội thảo do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chủ trì.
Tại hội thảo, đa số đại biểu chọn phương án không giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc UBND cấp tỉnh) thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Bà Phan Thị Việt Thu (Hội Luật gia TP.HCM) cho biết: “Việc giao đơn vị này đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài và không thu tiền của người lao động, vô hình trung mang tính cạnh tranh với doanh nghiệp, làm phát sinh gánh nặng cho ngân sách vì để đưa người lao động đi thì cũng phải đào tạo, huấn luyện”.

Hội thảo góp ý cho dự án luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Ở một số doanh nghiệp của Nhật, thị trường mà họ tuyển lao động nước ngoài chủ yếu từ tư nhân, còn chính quyền nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý. Vì vậy, tôi đồng ý phương án này (phương án các đại biểu chọn như nói trên - PV) vì e ngại sẽ dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp và nảy sinh nhiều vấn đề trong quyết toán, thu phí...”
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đồng ý phương án các đại biểu chọn như nói trên, vì theo ông, việc đưa di cư lao động đối với doanh nghiệp là tự do cạnh tranh, công bằng cơ hội trong việc tiếp cận thị trường.
Các đại biểu cho rằng cần phải tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bằng những chế tài cho các hành vi bị nghiêm cấm hoặc trong chương VII của luật về Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm. Ngoài ra còn bằng sự ràng buộc chặt chẽ năng lực tài chính, nguồn lực của doanh nghiệp để bảo đảm điều kiện trong các tình huống phát sinh nhằm bảo vệ người lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.