Không thiếu nước, Đà Nẵng vẫn 'khát'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
15/11/2018 18:14 GMT+7

Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước khẳng định nguồn nước trên sông Vu Gia là không thiếu nhưng phương án lấy nước chưa phù hợp khiến Đà Nẵng thiếu nước.

Liên quan đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại Đà Nẵng những ngày qua, ngày 15.11, ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc với các đơn vị liên quan.
Nguyên nhân là do… đường ống
Tại cuộc họp, ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết hiện nhu cầu nước của toàn TP.Đà Nẵng là 270.000 m3/ngày. Công suất trạm bơm An Trạch thiết kế 300.000 m3/ngày nhưng công suất đường ống chuyển nước từ trạm này về nhà máy sản xuất nước chỉ 210.000 m3/ngày.
Theo ông Hương, thiết kế ban đầu của nhà máy Cầu Đỏ hiện đã cải tạo lên 230.000 m3/ngày, nhà máy Sân Bay 30.000 m3/ngày. Khả năng vận hành cao nhất của cả 2 nhà máy là 280.000 m3/ngày. Do có sự chênh lệch nên nước từ trạm An Trạch về không đủ cho 2 nhà máy hoạt động.
Đà Nẵng đang vào mùa mưa và không thiếu nguồn nước nhưng do phương pháp vận hành không đảm bảo khiến nhiều nơi bị thiếu nước ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Hương cho biết thêm từ đầu tháng 11, trên sông Cầu Đỏ có độ mặn duy trì từ 250 - 1.000 mg/lít, có lúc lên hơn 4.000 mg/lít. Trong khi đó, các năm trước, vào thời điểm này, độ mặn chỉ vào khoảng 20 - 30 mg/lít. Đặc biệt năm nay mặn nhiều nên công ty sẽ khẩn trương rà soát lại hoạt động của trạm điện từ trạm bơm từ An Trạch về; triển khai thêm đường ống nước thô từ An Trạch về hai nhà máy Sân Bay và Cầu Đỏ, Tổng giám đốc Dawaco cho biết thêm.

Ngoài ra, đường ống chưa được cải tạo từ năm 2007 đến nay, năm 2012 còn xảy ra tình trạng sạt lở đường ống nên "công ty rất lo. Qua đợt này, công ty sẽ triển khai các giải pháp công trình nhằm đảm bảo nguồn nước thô", ông Hương nói.

Thiếu nước máy do vận hành

Trả lời câu hỏi của ông Vĩnh về việc công ty lấy nước như thế nào trong thời gian từ 4 - 7.11, khi độ nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ lớn và mực nước tại trạm An Trạch lại rất cao, ông Hồ Hương cho hay tất cả những ngày nước mặn nhiễm đến 1.000 mg/lít thì nước thô phải lấy trạm An Trạch. Sắp tới công ty sẽ triển khai việc nâng công suất trạm An Trạch lên hoặc làm công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ…

Dawaco đang nâng cấp các công trình cấp nước ẢNH: HOÀNG SƠN

Kết luận buổi làm việc, ông Vĩnh đề nghị "sớm có giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành, đảm bảo liên tục nước sinh hoạt cho người dân. Các thủy điện đang được huy động lên lưới nhưng đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân là phải ưu tiên hàng đầu".

Ông Vĩnh cho rằng Công ty Cấp nước cần có giải pháp để nâng công suất bơm nước An Trạch. Theo báo cáo nguyên nhân là do đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, ông Vĩnh cho biết hệ thống bơm An Trạch lên đến 300.000 m3/ngày nên các công ty phải có giải pháp để sử dụng nguồn nước cao nhất.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước kết luận tại cuộc họp ẢNH: HOÀNG SƠN

Lo lắng thời gian tới việc thiếu nước sẽ rất nậng nề, ông Vĩnh cũng đề nghị các chủ hồ và công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam, Đà Nẵng và Dawaco phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm nhất.

“Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định nguồn nước là đầy đủ nhưng phương án lấy nước, giải pháp thì còn chưa phù hợp nên xảy ra tình trạng thiếu nước trong thời gian vừa qua. Thủy điện xả nước thì có sự phối hợp với hạ du để nhà máy nước lấy nước phục vụ sinh hoạt”, ông Vĩnh kết luận.

“Các công ty có kế hoạch lấy nước khi thủy điện xả nước chứ không thể không có kế hoạch lấy nước dẫn đến lãng phí. Cố gắng sử dụng phối hợp để sử dụng tối đa nguồn nước ít ỏi đang còn lại trong các hồ”, ông Vĩnh nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.