Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Cần đấu giá đất công khai để tránh thất thu

28/06/2019 05:42 GMT+7

Theo các chuyên gia, để tránh thất thu, TP.HCM cần đem các khu đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) ra đấu giá công khai, rộng rãi quốc tế nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, kể cả nước ngoài.

Như Thanh Niên hôm qua thông tin, chiều 26.6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành Văn bản số 1037/KL-TTCP công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.
Bên cạnh trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, kết luận của TTCP cũng kiến nghị nhiều biện pháp xử lý kinh tế. Trong đó, TTCP kiến nghị UBND TP.HCM nghiên cứu các phương án khai thác quỹ đất còn lại tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư; đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước và khắc phục tình trạng mất cân đối khi đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm như kết luận đã nêu; kiểm tra, rà soát các dự án đã có chủ trương và ký hợp đồng thực hiện dự án có sử dụng đất với các nhà đầu tư nhưng chưa giao đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định; sớm tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư với 55 lô đất còn lại...

Tính giá đất Thủ Thiêm ra sao ?

Để tránh thất thu, TP.HCM cần phải đem các khu đất ở Thủ Thiêm ra đấu giá công khai, rộng rãi quốc tế để thu hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài tham gia. Điều đó góp phần tạo sự công bằng giữa các DN, thu hút đầu tư nước ngoài, công khai minh bạch
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Với những kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra, dư luận đặc biệt quan tâm quỹ đất ở Thủ Thiêm sẽ được xử lý thế nào? Cách định giá đất tại đây ra sao? TP.HCM cần làm gì để tránh thất thu?...
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong báo cáo của TTCP đưa ra giá giao đất, thanh toán bằng đất cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) chỉ 26 triệu đồng/m2, chênh lệch giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu. Đây là một trong những cơ sở tham chiếu giá để tính giá đất ở Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, để xác định giá đất, có thể áp dụng 5 phương pháp là: phương pháp bảng giá đất, phương pháp thặng dư, phương pháp so sánh, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập. Tuy nhiên, phương pháp bảng giá đất chỉ có thể áp dụng trong bồi thường. Phương pháp chiết trừ và phương pháp thu nhập cũng không thể dùng được nên chỉ có thể áp dụng hai phương pháp là thặng dư và so sánh để tính giá đất tại Thủ Thiêm, trong đó phương án phổ biến nhất là dùng phương pháp thặng dư. Để tính được giá đất đưa ra đấu giá phải dùng ít nhất 2 phương pháp để định giá đất.
Cũng theo ông Châu, hiện nay tại Thủ Thiêm đã có nhiều dự án mở bán căn hộ, nền đất theo giá thị trường. Giá bán này bao gồm lãi doanh nghiệp (DN), chi phí quản lý, chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vốn, lợi nhuận kỳ vọng của DN. Đây cũng là cơ sở để tính toán giá đất. “Hiện nay khu Thủ Thiêm đã thiết lập mặt bằng giá thị trường, đơn giản làm bài toán ngược từ giá thị trường là ra giá vốn”, ông Châu phân tích.

Sẽ thiết lập mặt bằng giá mới

Về đấu giá quyền sử dụng đất, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện có 3 hình thức đấu giá là đấu giá hạn chế (chỉ trong trường hợp bí mật quốc gia), đấu giá rộng rãi trong nước và đấu thầu rộng rãi quốc tế. “Trong thời gian tới, để tránh thất thu, TP.HCM cần phải đem các khu đất ở Thủ Thiêm ra đấu giá công khai, rộng rãi quốc tế để thu hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài tham gia. Điều đó góp phần tạo sự công bằng giữa các DN, thu hút đầu tư nước ngoài, công khai minh bạch…”, ông Châu nói và cho rằng: “Sắp tới đấu giá theo giá thị trường sẽ khiến giá nhà đất khu vực Thủ Thiêm thiết lập mặt bằng giá đầu vào mới”.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng cách tính giá đất ở Thủ Thiêm vô cùng đơn giản. Đó là chi phí để giải phóng mặt bằng, cộng với các loại thuế phí chuyển từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư, cộng với lãi vay, chi phí quản lý. Ngoài ra, tùy vào vị trí từng lô đất mà tính toán thêm lợi thế thương mại để ra giá thành đem đấu giá.
Sở dĩ TP.HCM giao đất cho DN chỉ với giá 26 triệu đồng/m2 do không tính đúng, tính đủ lợi thế thương mại nên bị thất thu. Chính vì vậy, đem đất ra đấu giá công khai là tốt nhất. Khi đó các DN tham gia sẽ tính toán được chi phí đầu vào để đấu giá. Họ sẽ tính được cơ hội tương lai để cho giá tối đa và tham gia đấu giá. Ai tham gia đấu giá cũng tính toán được đầu vào và đầu ra vì đất ở Thủ Thiêm đã là “đất sạch”. “Giá đất đầu vào đã có, từ chỉ tiêu về quy hoạch, thiết kế… DN sẽ đưa ra được giá bán sản phẩm. Đầu vào như nhau, nhưng quan trọng các nhà đầu tư làm cái gì trên đó, xây dựng đẳng cấp như thế nào mới mang lại kỳ vọng và giá trị cao”, ông Nghĩa nói.

TP.HCM sẽ thu hồi 26.000 tỉ đồng theo kết luận thanh tra

Ngày 27.6, trao đổi với báo chí bên lề Đại hội đại biểu MTTQ VN TP.HCM lần thứ XI, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, ông mới biết thông tin kết luận thanh tra của TTCP về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm trên báo chí, truyền thông. Hiện UBND TP.HCM đang chờ nhận bản kết luận chính thức để thực hiện những bước tiếp theo trên cơ sở kết luận thanh tra.
“Thứ hai tuần tới (ngày 1.7), tôi sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy, sau đó sẽ tổ chức họp báo về nội dung liên quan. Trong họp báo tôi sẽ nói rõ những vấn đề liên quan. Tinh thần là phải khẩn trương giải quyết”, ông Phong nói và cho biết thêm UBND TP.HCM sẽ thực hiện yêu cầu thu hồi số tiền hơn 26.000 tỉ đồng mà kết luận TTCP đề cập.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi nội dung của Kết luận thanh tra không thấy nhắc đến việc giải quyết quyền lợi của người dân hơn 20 năm qua đi khiếu nại, ông Phong cho hay điều này đã được UBND TP.HCM có hướng giải quyết theo Kết luận số 1483 đề cập đến 4,3 ha ngoài ranh. Song song đó, UBND TP.HCM cũng chủ động thực hiện 10 chính sách liên quan đến việc giải quyết những vấn đề ở Thủ Thiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.