Kịch bản ứng phó Covid-19 của TP.HCM

05/12/2020 06:09 GMT+7

Bác sĩ Khanh đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM hiện không 'căng' như hồi tháng 7 tại Đà Nẵng , vì TP.HCM biết được F0 và thời gian F0 tồn tại ngoài môi trường không lâu.

Ngày 4.12, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện sở này đang xây dựng dự thảo kịch bản ứng phó với bất kỳ tình huống nào của dịch Covid-19.Trong khi đó, một số quận huyện đã có kế hoạch ứng phó khá cụ thể.

TP.HCM thắt chặt giám sát để dịch Covid-19 không bùng phát

Kế hoạch như thế nào?

Theo kế hoạch tổng quan, Sở Y tế xây dựng 4 tình huống 1, 2, 3, 4, tương ứng với mỗi tình huống sẽ có những đáp ứng khác nhau. Mỗi khu vực, mỗi quận huyện sẽ có những mức độ áp dụng cũng khác nhau.
Trong công văn khẩn gửi các quận huyện ngày 3.12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho hay trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế tham mưu UBND TP thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở Y tế và HCDC kiểm tra khách sạn Eastin Grand, Q.Phú Nhuận, TP.HCM ẢNH: TRẦN ĐÌNH LỄ

Sở Y tế và HCDC kiểm tra khách sạn Eastin Grand, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

ẢNH: TRẦN ĐÌNH LỄ

TP.HCM sẽ giãn cách xã hội nơi có nguy cơ nếu Covid-19 tiếp tục lây nhiễm cộng đồng

Trả lời Thanh Niên ngày 4.12, đại diện UBND Q.6 cho biết đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó, khi phát hiện một ca nhiễm trong cộng đồng, Trung tâm y tế báo ngay cho UBND quận và điều tra lấy mẫu xét nghiệm. Trong quá trình truy vết, nếu kết quả xét nghiệm trường hợp F1 dương tính trở thành F0, thì các trường hợp F2 sẽ được chuyển lên thành F1 để xử lý.
Nếu số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên, Trung tâm y tế Q.6 sẽ đánh giá tình hình, mức độ nguy cơ của ca bệnh, các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc xa để trao đổi với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Sau khi có ý kiến của HCDC, UBND Q.6 sẽ có quyết định cách ly khu vực hay cách ly tổ dân phố.
“Giãn cách xã hội sẽ được tính đến khi lực lượng y tế đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở mức độ cao, UBND Q.6 xin ý kiến UBND TP để ra quyết định giãn cách xã hội”, đại diện UBND Q.6 nói.
Theo ông Bùi Thế Hải, Phó chủ tịch UBND Q.10, ngay khi xảy ra đợt dịch lần thứ nhất vào tháng 2.2020, Q.10 lên kế hoạch ứng phó với tình hình dịch xảy ra trên địa bàn. Sau khi phát sinh thêm ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, quận đã bổ sung thêm một số tình huống cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, khi có trường hợp nhiễm bệnh, Trung tâm y tế quận sẽ tổ chức đưa người nhiễm về các địa điểm theo sự phân công của Sở Y tế tùy theo từng trường hợp cụ thể (Củ Chi, Cần Giờ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới...). UBND phường khoanh vùng, bố trí các chốt quản lý ra vào khu dân cư, cơ sở kinh doanh cần cách ly; tổ chức phân nguồn, truy vết để xác định các trường hợp F1, F2 để lấy mẫu và thực hiện cách ly ngay tại cộng đồng.
Trong tình hình đợt dịch lần này phát sinh tình huống các trường hợp F2 là học sinh, sinh viên ở tỉnh đang ở trọ trên địa bàn, nên Q.10 chỉ đạo đơn vị bổ sung thêm yêu cầu nắm bắt tình hình các trường hợp đang thực hiện cách ly để hỗ trợ kịp thời trường hợp khó khăn. Đồng thời, các trường hợp sinh viên ở trọ phải thực hiện tự cách ly nhưng nơi ở trọ quá chật hẹp, không đảm bảo yêu cầu cách ly sẽ được chuyển đến một địa điểm dự phòng.
“Tùy theo diễn biến cụ thể, nếu trường hợp có từ 3 ca nhiễm bệnh trở lên tại một cộng đồng dân cư, quận sẽ tham vấn Sở Y tế để đề xuất UBND TP thực hiện giãn cách xã hội với các mức độ giãn cách ở từng khu phố, tổ dân phố, khu nhà hay tuyến đường”, ông Hải nêu

Gần 170.000 học sinh, sinh viên ở TP.HCM phải tạm nghỉ học vì Covid-19

Chuyên gia nói kịch bản phòng ngừa hữu hiệu cho dân

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng dịch bệnh diễn ra là điều không ai muốn nhưng đã xảy ra. Bác sĩ Khanh đánh giá, tình hình tại TP.HCM hiện không “căng” như hồi tháng 7 tại Đà Nẵng, vì TP biết được F0 và thời gian F0 tồn tại ngoài môi trường không lâu và rõ đường đi tới gặp F1 và cũng chưa xâm nhập vào bệnh viện. Và TP đã xét nghiệm được 861 ca F1 và đã cắt được F1.
“TP.HCM sẽ ổn trong 3 - 4 tuần tới, nếu người dân và các cơ quan tuân thủ nguyên tắc cách ly tập trung, tại nhà và theo dõi sức khỏe, giám sát ca bệnh trong bệnh viện và mở rộng xét nghiệm tự nguyện”, bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, nếu cách ly theo cách giao phó cho người không chuyên nghiệp thì sẽ có lơ là và có lỗ hổng. Bác sĩ Khanh chỉ ra 3 lỗ hổng trong cách ly: không chia ra khu vực âm tính và dương tính trong khu cách ly tập trung thì việc đi qua đi lại sẽ lây lan; cho về nhà cách ly khi chưa đủ 14 ngày thì việc dặn dò, giám sát như thế nào; người được cách ly và người thân không tuân thủ. Bây giờ phải lấp 3 lỗ hổng này, cách ly giờ là phải mang tính chuyên nghiệp cao.
Với người dân, bác sĩ Khanh nhấn mạnh đầu tiên, mọi người tìm hiểu mình thuộc yếu tố nguy cơ gì, tuân theo hướng dẫn của ngành y tế và tiếp tục làm việc. Nếu là F1 thì phải trung thực, ráng nhớ đi đâu và nếu có nguy cơ thì phải báo cho bạn bè, cơ quan y tế. Nếu một nhóm người, trong một công ty thuộc các F khác thì tự giải quyết với nhau, F3 thì ở nhà chờ xét nghiệm F2, F2 thì ở nhà chờ F1.
Đối với người ở TP.HCM đi các tỉnh, theo bác sĩ Khanh, các tỉnh hiện quan tâm người từ TP về các tỉnh, nên các tỉnh yêu cầu như thế nào thì phải chấp hành, nhất là sinh viên trở về là phải mang khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc chờ F1 âm tính. Thời gian chờ đợi phải kéo dài từ 3 - 4 tuần và hy vọng không có ca mới.
Đối với các bệnh viện thì “canh” người “lọt lưới” từ ngoài cộng đồng lọt vào để xét nghiệm. Bệnh viện lo và phải tầm soát, phải chú ý người bệnh mãn tính. Bác sĩ Khanh cũng cho rằng nên mở ra xét nghiệm tự nguyện ngoài cộng đồng, nhưng cần tham vấn và ban hành quy trình cho tốt với từng trường hợp bệnh nhân dương tính hoặc âm tính. Bởi hiện có những người không biết mình thuộc F gì, đã đi tới đâu nên cho tự nguyện để họ yên tâm vì đã có các đơn vị tư nhân làm.
Cho xét nghiệm tự nguyện lúc này cũng giảm sự tụ tập lấy mẫu một số nơi, cũng như sự chờ đợi, lo lắng cho người dân. Người xét nghiệm dương tính thì bắt buộc phải cách ly, nhưng nếu âm tính thì cũng phải bảo vệ mình chứ không phải muốn đi đâu thì đi vì môi trường còn vi rút, đừng nghĩ ở ngoài an toàn thì cứ thoải mái.
Theo HCDC, người dân cần cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, tránh tiếp cận quá nhiều thông tin không chính xác dễ làm chính chúng ta loạn thông tin gây hoang mang dư luận.

Bao nhiêu người liên quan đến tiếp viên hàng không (BN1342) phải xét nghiệm Covid-19?

Kiểm tra các khu cách ly

Từ ngày 2 - 4.12, Sở Y tế và HCDC kiểm tra hoạt động cách ly y tế tại khách sạn Eastin Grand (Q.Phú Nhuận) và khách sạn Park Royal (Q.Tân Bình), khu cách ly do quân đội quản lý (Trung đoàn 10, H.Nhà Bè, khu cách ly tại khu C, H.Củ Chi) và khu cách ly tại Bệnh viện Q.7.
Đối với khu cách ly là khách sạn, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, đề nghị trung tâm y tế quận và trạm y tế phường cần tăng cường kiểm tra, giám sát các khách sạn được chọn là cơ sở cách ly y tế về việc tuân thủ các quy định tại khu cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế; ghi nhận những khó khăn, hạn chế của khách sạn, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ khách sạn trong việc triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận đối tượng cách ly là thành viên của phi hành đoàn.
Bác sĩ Hưng yêu cầu các khách sạn ngoài việc phục vụ người được cách ly phải tăng cường truyền thông, vận động người đang cách ly tự giác tuân thủ các quy định của khu cách ly, người cách ly tuyệt đối không được tiếp xúc với nhau.

Sức khỏe tiếp viên hàng không và thầy giáo tiếng Anh nhiễm Covid-19 hiện ra sao?

Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines kiểm điểm trách nhiệm

Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Vietnam Airlines kiểm điểm rõ trách nhiệm vụ vi phạm quy chế cách ly. Trong đó tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sự việc để tiếp viên hàng không lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly của Vietnam Airlines, và gây lây nhiễm ra ngoài cộng đồng thời gian vừa qua.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Vietnam Airlines phân tích, đánh giá, làm rõ những vi phạm và đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới. Cục Hàng không VN được giao căn cứ vào kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận tải hàng không của Vietnam Airlines để tham mưu, đề xuất hình thức xử phạt theo thẩm quyền quản lý nhà nước chuyên ngành của Bộ GTVT, báo cáo về Bộ trước 10.12.
Mai Hà 

Vụ án làm lây lan Covid-19: tổ chức, cá nhân liên quan được xử lý thế nào?

Hơn 17.000 người đang được cách ly y tế

Chiều 4.12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo, trong ngày không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 mới; thêm 11 ca được công bố khỏi bệnh.
Trong số 1.361 bệnh nhân Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.220 ca đã được điều trị khỏi; 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Hiện 17.238 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly y tế theo dõi sức khỏe, trong đó 165 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 17.238 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 1.613 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo Bộ Y tế, có tỷ lệ khá cao bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng (55 - 60% trong số các ca có xét nghiệm dương tính vi rút SARS-CoV-2) và khoảng 30% số ca nhập cảnh dương tính Covid-19 không có biểu hiện bệnh. Do đó, tất cả các ca nhập cảnh, những người có yêu cầu cách ly y tế tập trung hoặc tự cách ly đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thời gian cách ly và các biện pháp phòng lây nhiễm. Người mắc Covid-19 không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh.
Liên Châu 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.