Tôi thấy gì trong khu cách ly tập trung?

Nếu bạn lo lắng về khả năng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, thì lo lắng của bạn là có cơ sở.

Tuy nhiên, ở góc nhìn chuyên môn của một bác sĩ, cũng là một người đang thực hiện cách ly tập trung, tôi thấy điều đó còn phụ thuộc vào khâu tổ chức của nơi bạn đang được cách ly và ý thức của những người đang được cách ly tại đó.

Tổng hợp tin Covid-19 ngày 16.8: Hà Nội phát hiện ca bệnh mới, hiểm nguy không tuân thủ cách ly

Gần cuối tháng 7, khi mẹ tôi qua đời tại Đà Nẵng, tôi có về Đà Nẵng để chịu tang mẹ, cũng là lúc Đà Nẵng liên tiếp xuất hiện các ca dương tính với Covid-19. Các khâu cách ly, phong tỏa và giãn cách được thực hiện triệt để. Bản thân tôi và gia đình, khi còn ở Đà Nẵng, cũng xác định tự cách ly hơn 14 ngày. Đến 13.8, sau khi hoàn tất quy trình xét nghiệm kiểm soát dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và cho kết quả âm tính, chúng tôi lên chuyến bay VN7121 về TP.HCM, và được đưa thẳng đến khu cách ly tập trung Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ.
Tại đây, khâu kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện tuyệt đối, bao gồm cả việc phun xịt hóa chất sát khuẩn vào người và hành lý trước khi vào khu cách ly. Khi đó, chúng tôi, là các bác sĩ, đều xác định rằng, kể từ lúc này, mình được xem như nguy cơ lây nhiễm cao nhất rồi.
Chúng tôi được đưa vào phòng riêng, tiêu chuẩn 4 người/phòng, được cung cấp đầy đủ vật dụng cá nhân. Chúng tôi được khuyến cáo hạn chế tối đa việc ra khỏi phòng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác, ngoài nhân viên mặc đồ bảo hộ.
Đến bữa, thức ăn cũng được mang đến tận cửa phòng với thực đơn thay đổi mỗi ngày, tăng cường chất xơ, đảm bảo các nhóm dinh dưỡng, gia vị gừng, sả để tăng đề kháng... Mỗi ngày chúng tôi được nhắc đo và ghi chép, theo dõi nhiệt độ. Theo dõi các biểu hiện bất thường về sức khỏe như mệt mỏi, sốt, ho... dưới sự giám sát chuyên môn. Tại phòng riêng và bên ngoài đều được phun sát khuẩn bề mặt mỗi ngày 2 lần.
Là một bác sĩ, tôi thấy rất yên tâm về khâu tổ chức như thế này để đảm bảo ngăn được nguy cơ lây nhiễm chéo ở mức tối đa. Bao gồm cả việc, thỉnh thoảng có vài người ra khỏi phòng vì lý do riêng, hay không đeo khẩu trang, họ bị nhắc nhở. Hay có nhóm người cùng nhau tập thể dục chung, họ cũng bị nhắc nhở kèm khuyến cáo tự tập thể dục trong phòng để nâng cao thể trạng, tăng đề kháng. Tóm lại, nếu khâu tổ chức đã chặt chẽ thì khả năng lây nhiễm chéo cũng sẽ được hạn chế.
Cùng với đó chính là kêu gọi sự hợp tác về ý thức của chính những người tự cách ly. Phải coi như những tiếp xúc gần của mình đều là những nguy cơ mang mầm bệnh, hay chính mình cũng có nguy cơ mang mầm bệnh để tự hạn chế tối đa mọi tiếp xúc.

Xuyên đêm xét nghiệm Covid-19 cho hàng ngàn ngư dân ở âu thuyền Thọ Quang

Làm được như vậy thì tôi nghĩ sẽ hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo ở khu cách ly. Bởi ở thời điểm hiện tại, cách ly tập trung là mô hình mà Việt Nam đang nỗ lực triển khai hiệu quả, nhằm ngăn chặn lây lan dịch Covid-19, để các ổ dịch trong cộng đồng, nếu có liên quan, cũng được kiểm soát và nhanh chóng khống chế. Những ngày tới, tôi quyết định “bật” cho mình chế độ nghỉ ngơi, thư giãn tích cực để khỏe mạnh, thay vì căng thẳng dịch bệnh hay lo lắng đếm từng ngày...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.