Ký hợp đồng cho thuê đất quốc phòng nhưng... không biết !

Thái Sơn
Thái Sơn
19/05/2020 06:15 GMT+7

Tại phiên tòa, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến thừa nhận Quân chủng Hải quân không có thẩm quyền chuyển đổi đất quốc phòng sang làm kinh tế, cá nhân; bản thân không hiểu biết, “thiếu sát sao, quyết liệt”.

Ngày 18.5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án trao “đất vàng” quốc phòng cho tư nhân, gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 1.000 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 229 bộ luật Hình sự.

“Tôi xin nhận khuyết điểm”

Do sức khỏe, bị cáo Nguyễn Văn Hiến được HĐXX cho ngồi để trả lời thẩm vấn. Bị cáo Hiến thừa nhận cả 3 khu đất số 2, 7 - 9 và 9 - 11 (diện tích hơn 7.000 m2) ở đường Tôn Đức Thắng (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) có nguồn gốc là đất quốc phòng.
Từ năm 2006, trong cuộc gặp với lãnh đạo Quân chủng Hải quân, UBND TP đề nghị cùng phối hợp để chỉnh trang đô thị TP. Nắm bắt được chủ trương này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân (Công ty Hải Thành) đề xuất Quân chủng Hải quân đưa 3 khu đất ra làm kinh tế và được Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân thông qua vào tháng 3.2006. Theo bị cáo Hiến, “chủ trương đưa đất quốc phòng làm kinh tế là cấp bách vì đời sống cán bộ chiến sĩ hải quân rất kham khổ, cần được nâng cao”.
Dù vậy, bị cáo Hiến cũng thừa nhận Quân chủng Hải quân không đủ thẩm quyền để chuyển đổi đất quốc phòng sang làm kinh tế. Thường vụ Quân chủng Hải quân đã có 5 phiên họp và 5 văn bản đề xuất đưa 3 khu đất nêu trên vào làm kinh tế và báo cáo lên Bộ Quốc phòng. Các tờ trình do bị cáo Hiến ký gửi lên lãnh đạo Bộ Quốc phòng đều được xem xét, phê chuẩn, có công văn trả lời, chỉ đạo.
Trong đó, Công văn 333 có nội dung Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân thực hiện theo đúng quy định, không ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng. Bị cáo Hiến cho rằng các cơ quan tham mưu, thực hiện trong quân chủng đã “hiểu sai ý của bộ trưởng”, nên đã tham mưu sai cho mình ký đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng 3 khu đất sang làm kinh tế. “Các bộ phận tham mưu trình lên mà bản thân bị cáo không có điều kiện để kiểm tra năng lực của đối tác”, bị cáo Hiến nói.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến

Khi HĐXX hỏi về việc từ 2009 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân “không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, bị cáo Hiến - với tư cách Tư lệnh Quân chủng Hải quân - thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, bị cáo này khai, đã chỉ đạo bằng văn bản tới các đơn vị, với 13 đầu mối nhưng không phát hiện ra 3 khu đất nêu trên.
“Bị cáo thấy trách nhiệm của mình thế nào trong vụ án này?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Hiến đáp: “Tôi xác nhận là tôi có khuyết điểm thực hiện chức trách của mình thiếu sát sao, quyết liệt... Tôi xin nhận khuyết điểm”.

Mang đất quốc phòng cho thuê

Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Như Thiềm, cựu đại tá - cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân, thừa nhận có vai trò quyết định trong việc thành lập 3 pháp nhân mới là liên doanh của Công ty Hải Thành với 3 đối tác: Công ty Yên Khánh, Công ty Cảnh Hưng và Công ty Mai Anh để khai thác 3 khu đất tại đường Tôn Đức Thắng.
Trên hợp đồng ký giữa Công ty Hải Thành và đối tác thể hiện là hợp tác liên doanh và Công ty Hải Thành góp vốn bằng đất, nhưng thực chất là cho thuê đất. Bởi điều khoản hợp đồng liên doanh ký giữa Công ty Hải Thành với các đối tác đều quy định các đối tác phải nộp cho Công ty Hải Thành một khoản cố định theo hợp đồng, bất kể kết quả kinh doanh.
Đáng chú ý, bị cáo Thiềm khai trước thời điểm lập liên doanh, pháp nhân mới, Quân chủng Hải quân đã thuê các công ty luật và được tư vấn không nên góp vốn bằng quyền sử dụng đất; việc lập pháp nhân mới sẽ bất lợi trong một số trường hợp xấu. “Vấn đề này tôi có gửi văn bản kèm theo báo cáo của liên phòng Kinh tế - Tài chính gửi từng đồng chí Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân”, bị cáo Thiềm khai và nói thêm, bản thân cũng không ủng hộ chủ trương này nhưng vẫn thực hiện.
Về lời khai của bị cáo Thiềm cho rằng bản chất của hợp đồng liên doanh là cho thuê đất, bị cáo Bùi Văn Nga (nguyên đại tá, Giám đốc Công ty Hải Thành) nói: “Bản thân học về cán bộ tham mưu chỉ huy hậu cần ngắn hạn, không được đào tạo về kinh tế, nên còn rất mù mờ, không nắm được; bản chất không hiểu biết là cho thuê hay liên doanh liên kết”.
Chủ tọa trích lời khai của bị cáo Nga tại CQĐT, rằng “Công ty Hải Thành ký kết dưới hình thức hợp đồng liên doanh, nhưng thực chất là cho thuê đất”, thì bị cáo này lý giải “khi CQĐT phân tích, mới hiểu bản chất là cho thuê đất”.
Khi HĐXX đặt câu hỏi “vì sao bản chất cho thuê đất nhưng không làm hợp đồng cho thuê đất mà lại làm hợp đồng liên doanh”, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến khai chỉ đến khi làm việc với CQĐT mới biết là thuê; còn trong hợp đồng không có chữ thuê nào mà là liên doanh trả khoán.
HĐXX đặt thêm câu hỏi: “Tại 3 khu đất này, giờ Bộ Quốc phòng hoặc Quân chủng Hải quân muốn làm nhiệm vụ quốc phòng trên đó có được nữa không? Nếu được, các công trình cao ốc xây trên đó giải quyết ra sao?”, thì các bị cáo trong vụ án nguyên là lãnh đạo, cán bộ Quân chủng Hải quân đều im lặng.
Hôm nay (19.5), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong 49 năm

Theo cáo trạng, quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ và luật Đất đai năm 2003. Bị cáo Hiến cũng không kiểm tra dẫn đến bị đối tác sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba…
Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trong 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 939 tỉ đồng.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.