GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết dự kiến giữa tháng 5, Công ty Nanogen (TP.HCM) hoàn thành giai đoạn 2 (pha II) nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax, trình đề cương giai đoạn 3 tới Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế để xem xét phê duyệt.
Vắc xin Việt Nam có thể chống lại biến thể mới
“Dự kiến giai đoạn 3 sẽ tiến hành trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia. Nếu thành công, có thể Việt Nam sẽ có vắc xin “made in Vietnam” đầu tiên vào cuối năm nay”, GS Thuấn thông tin và cho biết thêm: “Trong trường hợp bệnh dịch lan tràn và thiếu vắc xin, Bộ Y tế có thể xem xét cho đánh giá giữa kỳ để cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”.
Theo Bộ Y tế, thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2 (từ 26.2 vừa qua) của vắc xin Nano Covax được tiến hành trên 560 người chia làm 4 nhóm, tiêm 3 mức liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg vắc xin Nano Covax cùng 1 nhóm tiêm giả dược. Cả 3 mức liều đều đảm bảo độ an toàn.
100% người được tiêm 3 mức liều kể trên đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau. Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho biết kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có tác dụng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của SARS-CoV-2. Vắc xin cũng có hiệu quả, qua kết quả thử nghiệm trên một số biến thể mới của SARS-CoV-2.
Với vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm - IVAC (thuộc Bộ Y tế) nghiên cứu, dự kiến TNLS pha I vào tháng 7.2021 và hoàn thành pha II vào tháng 12.2021; pha III có thể bắt đầu vào đầu năm 2022.
Theo Bộ Y tế, sau 7 tháng nghiên cứu từ tháng 5.2020 - 12.2020), IVAC đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn từ 50.000 - 100.000 liều mỗi lô. Các lô vắc xin dự tuyển cho nghiên cứu TNLS (được triển khai từ tháng 3 vừa qua) đã được đánh giá chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia, được cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng 6 lô vắc xin thành phẩm. Covivac cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài.
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, cho biết kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng vắc xin Covivac tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm.
Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19. Các nhà khoa học trong nước có thể cho ra đời vắc xin có khả năng bảo vệ trước sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2.
Đã có 700.000 người tiêm vắc xin Covax
Theo Bộ Y tế, đến chiều ngày 6.5, 63/63 tỉnh, thành phố đã tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 700.000 người. Chiến dịch tiêm này đã được triển khai từ ngày 8.3; tiêm vắc xin cho những người thuộc nhóm ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 như: lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong số đã tiêm, 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ... Các triệu chứng này hết sau 24 giờ.
Trong tháng 5 này, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin Covid-19 từ COVAX Facility. Trước đó, đầu tháng 4, COVAX Facility đã cung cấp miễn phí 811.200 liều cho Việt Nam, phục vụ phòng, chống dịch.
Bình luận (0)