Làm rõ 1.085 tỉ đồng trong đại án Huyền Như

07/12/2016 06:42 GMT+7

Liên quan đến đại án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng.

Liên quan đến đại án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hôm qua (6.12), Viện KSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Nam Việt (Navibank, nay đã được tái cơ cấu và đổi tên) và Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể: Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh (CN) Nhà Bè, TP.HCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền, nguyên trưởng phòng pháp chế; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro; Trần Thanh Bình, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng; Đinh Thị Đoan Trang, nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng; Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ; Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên trưởng phòng kế toán đều bị truy tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 7.1.2015, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, đã hủy một phần của bản án sơ thẩm ngày 27.1.2014 của TAND TP.HCM xét xử để Cơ quan CSĐT - Bộ Công an làm rõ hành vi “tham ô tài sản” của Như và làm rõ vai trò đồng phạm của Võ Anh Tuấn trong việc chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty gồm: TMCP đầu tư Hưng Yên, CP đầu tư và thương mại An Lộc, CP bảo hiểm Toàn Cầu, CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) và CK Phương Đông.
Theo cáo trạng, lợi dụng danh nghĩa kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ CN TP.HCM, Như huy động tiền gửi cho Vietinbank và trực tiếp thỏa thuận với những người môi giới là đại diện của 5 công ty trên về việc nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần nhà nước quy định. Sau khi các “con mồi” gửi tiền vào Vietinbank, Như lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng sang tài khoản của mình. Chỉ từ tháng 5.2011 - 9.2011, Như chiếm đoạt được 1.085 tỉ đồng của 5 công ty. Trong quá trình điều tra lại, xét thấy hành vi này là lừa đảo chứ không phải là tham ô, nên Như phải chịu trách nhiệm với thiệt hại đã gây ra cho 5 công ty trên.
Đối với hành vi cố ý làm trái của 10 bị can là cán bộ Navibank, từ năm 2010, Đoàn Đăng Luật đã trao đổi với Tuấn và Như về việc gửi tiền của Navibank vào Vietinbank CN Nhà Bè với lãi suất đến hơn 20%/năm. Sau đó, Navibank cấp tín dụng cho các nhân viên của mình theo 47 hợp đồng trị giá 1.500 tỉ đồng, các nhân viên ấy tiếp tục làm thủ tục gửi tiền có kỳ hạn vào Vietinbank CN Nhà Bè, Navibank nhận lãi suất ngoài hợp đồng do Như trả hơn 24 tỉ đồng/năm.
Tháng 7.2011, Vietinbank CN Nhà Bè quyết toán các hợp đồng tiền gửi của các nhân viên Navibank hơn 1.000 tỉ đồng, còn 500 tỉ đồng chưa đến hạn quyết toán. Lúc này, Tuấn tiếp tục đề nghị Luật đến gặp Như để chuyển số tiền này từ Vietinbank CN Nhà Bè gửi sang Vietinbank CN TP.HCM nhằm giúp Như tăng doanh số. Sau khi trót lọt, Như liền lập hồ sơ khống, chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản để chuyển 200 tỉ đồng ra khỏi Vietinbank nhằm chiếm đoạt của Navibank. Sau khi vụ án bị khởi tố, Navibank còn nhờ Công ty B.H hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ đối với 200 tỉ đồng mà cá nhân của ngân hàng này vay tại Navibank “biến” thành khoản tiền tạm ứng của công ty để đối phó cơ quan chức năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.