Lăng kính Bạn đọc: Cần ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách

23/11/2019 06:41 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỉ đồng đi qua 8 tỉnh, thành nối Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là chưa cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn vốn này, nếu có, nên ưu tiên cho các vùng, dự án cấp bách hơn.
Như Thanh Niên đã thông tin (https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/lang-phi-duong-sat-100000-ti-lao-cai-ha-noi-hai-phong-1151010.html), theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ đi qua 8 tỉnh, TP dài gần 390 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (VN) dài 5,6 km, xây dựng theo hướng đông, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt này được chính phủ Trung Quốc viện trợ. Ước tính tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.

Chưa cần thiết

Nếu biết khai thác tốt và kết nối với ô tô... đường sắt này sẽ có hiệu quả và góp phần về vốn, về kinh nghiệm... cho đường sắt bắc - nam sau này.

Hải Hà (Bình Định)

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông (JICA), cần phải đặt vấn đề: nhu cầu của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã thực sự cần thiết phải làm hay chưa? Theo ông, hiện tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng đã được nối thông và rất hiệu quả, tiết giảm rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hóa từ biên giới cửa khẩu đến tận cảng Lạch Huyện. Việc xây thêm 1 tuyến đường sắt kết nối tuyến này sẽ chia sẻ lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí, cạnh tranh chính giữa 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Trong khi đó, giao thương vận tải hàng hóa giữa các tỉnh Lào Cai và miền núi phía bắc về Hải Phòng để xuất khẩu không nhiều đến mức cần làm 1 tuyến đường sắt có chi phí tới 4 - 5 tỉ USD như vậy.

Không thể tự nhiên mà Trung Quốc hảo tâm tài trợ. Nên nhớ, đời không ai cho không ai cái gì.   

Người Việt (Hà Nội)

Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Hữu Đức, bạn đọc (BĐ) Minh Tâm (Hà Nội) cho rằng: "Dự án tốn quá nhiều tiền của mà hiệu quả thì chắc ai cũng có thể đoán ra được. Hiện nay và sắp tới trên cả nước có nhiều dự án cần vốn để triển khai hoặc hoàn thiện, vậy sao không ưu tiên mà lại đi đầu tư cho các dự án như thế này. Dù là vốn này có huy động ở đâu thì cuối cùng dân vẫn là người đóng thuế để trả. Tôi không tán thành việc triển khai dự án này".
Tổng mức đầu tư dự án cũng khiến nhiều BĐ băn khoăn, nhất là khi một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đây mới là con số khái toán: “Con số 100.000 tỉ đồng mới là tạm tính, chỉ khi lập dự án nghiên cứu khả thi mới có tổng mức đầu tư chính thức”. BĐ Robin (Hà Nội) lo ngại: "100.000 tỉ đồng là tạm tính, tức là lúc làm thực tế sẽ đội vốn lên bao nhiêu cũng chưa biết. Vì thực tế là dự án metro ở Hà Nội cũng dính dáng đến Trung Quốc và bây giờ đội vốn mà vẫn chưa hoạt động".

Ưu tiên dự án cấp bách hơn

BĐ Khương Phạm (TP.HCM) nêu ý kiến: "Các bác lãnh đạo ngành cần phải xem xét lại. Làm dự án nào cần và cấp bách cho hiệu quả. Hiện nay nhiều dự án cầm chừng, dở dang gây tốn kém, không hiệu quả. Mà sao không rút kinh nghiệm từ dự án đường sắt tại thủ đô bao nhiêu năm còn đó?".
Vậy dự án nào cấp bách hơn? BĐ Trần Văn Tâm (TP.HCM) gợi ý: “Nên đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho khu vực ĐBSCL. Hiện miền Tây là vựa lúa lớn nhất nước ta và ngành thủy sản đang phát triển sẽ đẩy thị phần xuất khẩu cao hơn, hiệu quả kinh tế sẽ bền vững hơn. Mong chính phủ sớm hoạch định chính sách vì các dự án đã mong chờ lâu quá rồi”. Cùng quan điểm, BĐ Tính (Hà Nội) cho rằng: "ĐBSCL là một trong những vùng đang cần vốn để phát triển giao thông và hạ tầng, đưa vốn về đó cho hiệu quả hơn".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.