Lao động nữ nhọc nhằn vì Covid-19 - Kỳ 2: Loay hoay kiếm đủ mọi nghề

10/03/2021 10:43 GMT+7

Dịch Covid-19 làm nhiều chị em công nhân mất việc. Họ bỗng dưng từ lao động nữ chính thức thành phi chính thức, buộc phải loay hoay kiếm đủ mọi nghề...

Theo Tổng cục thống kê, dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến cho nhiều người buộc phải trở thành lao động tự do. Năm 2020, số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc giảm mạnh so với năm 2019 (giảm 1,3 triệu người so với năm 2019). Mức giảm này là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua. Trong số 1,3 triệu người bị đẩy vào tình trạng không có việc làm nói trên, có 51,6% người là phụ nữ.

Công ty giải thể, đi bán hàng rong

Chị H.T.N.T (28 tuổi, quê Bến Tre) đến tận 21 giờ vẫn còn loay hoay cân đo bán trái cây, rau củ... trước ngõ nhà trọ mình ở P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM). Chị T. vốn là lao động của một công ty sản xuất giày da tại Q.Gò Vấp đã 7 năm ròng. Hồi tháng 5.2020, trong đợt cắt giảm nhân sự lần hai, chị bị mất việc. Gia đình chị T. có hai đứa con nhỏ, những tháng sau khi mất việc, nguồn sinh kế của gia đình chị T. chủ yếu từ đồng lương của chồng vốn cũng bị giảm đáng kể và khoản trợ cấp thất nghiệp của chị.
“Khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ được 5 tháng, không làm sẽ không thể trụ lâu, nên lần hồi tôi suy nghĩ coi nghề nào mình làm được, cuối cùng tôi quyết định lấy trái cây về bán dạo, vừa có nguồn thu vừa có thể chăm con”, chị nói và cho biết thêm, sáng chị lấy hàng sớm, đến 5 giờ sẽ bán, mỗi ngày lời chừng 100.000 - 150.000 đồng. Mặt bằng chị T. đang bán là do bà chủ nhà trọ cho mượn, còn lúc mới bán, chị chất thẳng ngoài lề đường. Chị bảo mình cũng tranh thủ trái cây ở dưới quê, như ổi, đu đủ để đem bán, đỡ được tiền lấy hàng.

Chị H.T.N.T từ làm công nhân sang bán trái cây trước ngõ nhà trọ

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Loay hoay tìm cách kiếm sống khác...

Chị Phan Mộng Tuyền (42 tuổi, trọ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết chị mới tìm được việc chừng một tháng nay. “Tôi làm công nhân ngành giày da 13 năm rồi. Công ty đã cố trụ tới gần tết nhưng tôi sợ khi mất việc sẽ phải lao đao nên có thời gian là tôi cứ tranh thủ lân la tìm việc. Cuối cùng, công ty cũng cắt giảm nhân sự, tôi mất việc, sau khi ăn tết xong tôi may mắn có việc làm lại. Hiện giờ tôi đang làm ở một công ty làm nghề sản xuất dao cạo gần nhà, tăng ca suốt tuần, được 9 triệu/tháng”.
Chồng chị Tuyền đứng bán sạp vải ở Q.5. “Sau ngày làm việc, chồng tôi cũng tranh thủ nuôi cá cảnh để bán... Chung quy, thu nhập đủ trang trải để nuôi ba đứa con. Đứa con trai lớn tôi 18 tuổi nhưng nghỉ học rồi, còn đứa con trai út thì đang chuẩn bị vào lớp một”, chị chia sẻ và cho hay, điều mong muốn của chị Tuyền sắp tới là tích góp để mua cho chồng một chiếc xe máy mới để đi làm, vì ‘chiếc xe chồng tôi đang đi cà tàng lắm rồi...’.
Nhưng không phải ai cũng may mắn có được công việc ngay chị Tuyền, có nhiều công nhân thuộc khối ngành giày da ở Q.Gò Vấp khi mất việc phải loay hoay tìm một cách sống khác, hỏi thăm đủ chỗ để vải về may gia công, cắt chỉ tại nhà. Khảo sát nhanh một khu trọ ở Q.Gò Vấp, có vài ba hộ “cầm chân” mình ở các căn phòng trọ, không về quê đón tết để tiết kiệm tối đa món tiền chừng 60.000 - 100.000 đồng từ việc may gia công.

Nhiều lao động nữ đến Trung tâm dịch vụ việc làm xin nhận trợ cấp thất nghiệp hồi tháng 10.2020

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Điển hình là chị D.T.K.C (46 tuổi, quê An Giang) sau khi mất việc, chị bỗng từ người có hợp đồng lao động sang làm công việc rửa chén tại một quán ăn với lương tháng 2 triệu đồng. Chị cũng “bấm bụng” vì mình là trụ cột. Giờ đây, chị được người quen giới thiệu mang đồ về may gia công với gia 300 đồng/cái. Mỗi ngày chị may chừng 200-300 cái, thu nhập chừng 60.000 – 90.000 đồng/ngày, chị nói chí ít thì ‘nó vẫn đỡ cực hơn là phụ rửa chén... Dịch bệnh làm tôi mất việc, mất luôn tết...’.
Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, sau tết, do tình hình phức tạp của Covid-19, nhu cầu tuyển dụng không cao như các năm trước đó. Trung tâm đang đẩy mạnh cập nhật thông tin tuyển dụng trên website www.vieclamhcm.net, đồng thời tư vấn việc làm cho người lao động qua điện thoại, như vậy, người lao động vẫn có thể tìm kiếm được việc làm ngay cả khi không đến trực tiếp tại Trung tâm.
Các ngành nghề mà người lao động chủ yếu tìm việc trong giai đoạn này thuộc khối lao động phổ thông, dệt may - giày da, điện – điện tử, bán hàng..., mức lương cơ bản dao động từ 6 triệu đến 8 triệu đồng. Thời gian tới, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế khôi phục thì các ngành nghề thuộc khối lao động phổ thông, bất động sản, vận tải… được dự báo có nhu cầu tuyển dụng cao.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên (YES Center) cũng cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng tại trung tâm sau tết không tăng so với cùng kỳ.
Từ ngày 3.4 đến ngày 3.5.2021, YES Center sẽ tổ chức chương trình “Tiếp sức người lao động”, chương trình này có hơn 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 10.000 vị trí việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, các ngành nghề lao động phổ thông, kinh doanh, bán hàng... đang có xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.