Đây là thông tin ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội, cho biết chiều nay, 16.8.
Theo ông Dân, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, nhiều người lao động trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền và những trường hợp khó khăn vướng mắc khác không thể về nơi thường trú, hoặc nơi cư trú, để xác nhận đề nghị hưởng hỗ trợ.
Vì vậy, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, nhất là những lao động tự do về việc khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ đối với người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc (lao động tự do) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Dân cho hay: “Sở LĐ-TB-XH đã có công văn gửi UBND TP.Hà Nội đề xuất tháo gỡ khó khăn cho lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đã được thành phố chấp thuận. Sở sẽ chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
Theo ông Dân, từ hôm nay, 16.8, người lao động không sẽ không phải về địa phương xin xác nhận, thay vào đó, UBND các phường, xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ người lao động hàng ngày bằng các hình thức thuận lợi nhất cho người lao động như: trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến;... linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động; tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách và công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
Sở LĐ-TB-XH cũng lưu ý, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao thường trú/tạm trú bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...); công khai danh sách trích ngang các trường hợp được hỗ trợ trên trang thông tin của đơn vị để đảm bảo người lao động được hưởng đúng nguyên tắc theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và tránh việc trục lợi chính sách.
Tính đến ngày 12.8, toàn thành phố đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỉ đồng và thực hiện chi trả trên 143 tỉ đồng cho lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Trong đó, giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.250 đơn vị, với 1,47 triệu lao động, kinh phí hơn 101 tỉ đồng; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí tử tuất cho 34 đơn vị, hơn 2.900 lao động, số tiền hơn 20,5 tỉ đồng; phê duyệt hồ sơ cho 1.123 lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí 4,7 tỉ đồng; hỗ trợ 16 lao động ngừng việc số tiền 25 triệu đồng; hỗ trợ cho gần 19.500 trường hợp F0, F1, trẻ em. Nhóm lao động tự do, các quận huyện đã phê duyệt chi trả cho 5.170 người, với kinh phí 7,75 tỉ đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội mới phê duyệt hồ sơ 2 đơn vị với hơn 2.400 lao động, số tiền 10,72 tỉ đồng.
Bình luận (0)