Lơ lửng sống bên... miệng 'hà bá'

22/06/2019 10:00 GMT+7

Hàng trăm hộ dân sinh sống đoạn bờ biển Tiểu Dừa - Chủ Vàng thuộc H.An Minh (Kiên Giang) đang đối mặt với nguy hiểm do tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, đoạn đê biển Kim Quy - Tiểu Dừa thuộc 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây (H.An Minh) dài khoảng 4,2 km. Trong đó sạt lở đứt đoạn đê giáp vàm Kim Quy hơn 250 m, sạt lở sát chân đê hơn 10 điểm, mỗi điểm sạt lở từ 25 - 150 m.

Lợ sợ nhà đổ sụp xuống biển

Ghi nhận tại hiện trường cho thất đoạn bờ biển khu vực vàm Kim Quy nằm trên địa bàn xã Vân Khánh đang sạt lở rất nghiêm trọng với chiều dài khoảng 300 m. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ ven biển tại đoạn này không còn, mất đi khả phòng hộ, sạt lở bờ biển đến chân đê và đã vỡ một đoạn đê khoảng 250 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong khu vực.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 20.6, ông Thái Văn Bích, Phó chủ tịch UBND xã Vân Khánh, cho biết thời gian gần đây tình hình sạt lở bờ biển khu vực vàm Kim Quy rất nghiêm trọng, sóng đánh vỡ đứt đoạn đê quốc phòng, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 20 hộ dân tại đây.
“Do sạt lở đang diễn biến phức tạp nên xã đã vận động, di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến ở tạm nhà người thân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân đang sinh sống trên tuyến đê biển này cũng bị ảnh hưởng bất lợi. Dự báo khi vào cao điểm của mùa mưa bão, tình hình sạt lở diễn biến rất khó lường. Khó khăn hiện nay của xã là không có đất để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm”, ông Bích nói
Đê biển bị sạt lở nhưng người dân vẫn sinh sống trên các nhà bằng gỗ, cách bờ từ 20 - 50 m, rất nguy hiểm ẢNH: ANH PHƯƠNG
Hiện nay, một số nhà của các hộ dân đã bị sụp lở xuống biển và một số hộ nền nhà trong tình trạng sạt lở nhưng chưa di dời. Bà con cất nhà sàn bằng gỗ, cách bờ 20 - 50 m và đường dẫn từ bờ ra nhà bằng cầu cây gỗ tạm rất nguy hiểm trong mùa mưa bão đang tới.
Ông Trương Quốc Thắng (ngụ ấp Kim Quy, xã Vân Khánh) lo lắng: “Mỗi khi trời mưa lớn, giông gió, sóng to nổi lên, bà con ở đây rất sợ nhưng bây giờ không biết di dời đi đâu, không đất đai sản xuất, không tiền bạc. Nhà tôi hồi đó cất cách biển hơn 200 m nhưng hiện nay đã lở đến chân nền nhà, gia đình rất lo và chưa biết tính sao. Nếu tình lở tiếp tục diễn biến nghiêm trọng thì nguy cơ nhà đổ sụp xuống biển khó tránh khỏi, nhất là vào cao điểm mùa mưa bão.”
Năm 2017, trước tình trạng sạt lở vàm Kim Quy, H.An Minh tiến hành gia cố bằng cừ tràm, cừ dừa và đắp đất để hạn chế, ngăn sạt lở. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này không mang lại hiệu quả trước sự tác động của sóng biển và tiếp tục sạt lở nghiêm trọng như hiện nay.

Khẩn trương tìm giải pháp khắc phục

Trước tình hình sạt lở nêu trên, UBND tỉnh Kiên Giang vừa công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng trên địa bàn 2 xã Vân Khánh và Vân Khánh Tây, H.An Minh.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực sạt lở; cắm biển báo, khoanh vùng sạt lở bờ biển và đê biển đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân và sản xuất nông nghiệp; khẩn trương khảo sát, tham mưu đề xuất phương án, giải pháp xử lý tình trạng sạt lở.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị T.Ư bố trí kinh phí triển khai dự án khắc phục khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm trên tuyến bờ biển An Biên - An Minh để bảo vệ tuyến đê biển phía bên trong.
Gia cố đê biển H.An Minh bị sạt lở bằng cừ dừa, cừ tràm tạm thời ẢNH: ANH PHƯƠNG
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo H.An Minh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, báo cáo tình hình để xử lý kịp thời những tình huống cấp bách; vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân; chuẩn bị phương án, sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, cho biết trên đoạn đê biển Kim Quy - Tiểu Dừa tiến hành cắm 20 biển báo tại các điểm sạt lở nguy hiểm và có nhiều người dân thường xuyên hoạt động; tiến hành hộ đê khẩn cấp các điểm sạt lở nghiêm trọng, nguy hiểm khoảng 7 tỉ đồng. Tỉnh đề xuất T.Ư hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (Dự án WB9) để xây dựng công trình bảo vệ bờ biển với chiều dài khoảng 10 km, đoạn từ vàm Tiểu Dừa đến Vàm Chủ Vàng, nhưng hiện tại chỉ đang ở bước chuẩn bị triển khai dự án, trong đó có đoạn Kim Quy - Tiểu Dừa thực hiện xử lý chống sạt lở lâu dài bằng kè phá sóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.