Lời hồi đáp sau hơn một phần tư thế kỷ

An Dy
An Dy
03/06/2020 07:32 GMT+7

Từ một truyện ngắn đăng trên Báo Thanh Niên 27 năm trước, một độc giả đặc biệt của Thanh Niên đã làm nên cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa những người xa lạ nhưng vẫn luôn đau đáu hướng về nhau.

Đó là một nhà văn nổi tiếng những năm 90 của thế kỷ 20, một bạn đọc trung thành của Thanh Niên và một thân phận sĩ quan biệt phái…
Câu chuyện bắt đầu từ một buổi sáng cuối thu năm 1993, chị Nguyễn Bá Quỳnh Anh (một nhà báo sống tại Đà Nẵng), lúc ấy mới 29 tuổi, bị cuốn hút bởi một truyện ngắn đăng trên Tuần báo Thanh Niên số 41 (phát hành tháng 10.1993), có cái tên kỳ lạ Người chứng ít lời của nhà văn Trần Huiền Ân… “Bằng trực giác, tôi tin nhân vật mà nhà văn đau đáu là một nhân vật có thật, một cái tên có thật… Và tôi bị ám ảnh đến khắc khoải phận đời của ông ấy”, chị Quỳnh Anh bắt đầu kể về nhân duyên kỳ lạ chị “giữ” suốt 27 năm trời…

Từ một tấm thiệp xuân

Lời hồi đáp sau hơn một phần tư thế kỷ 1

Truyện ngắn Người chứng ít lời đăng trên Tuần báo Thanh Niên số 41, phát hành tháng 10.1993

ẢNH: AN DY

Trong truyện ngắn Người chứng ít lời, nhà văn Trần Huiền Ân có nhắc đến một tấm thiệp xuân tự vẽ bằng tay đề “Mùa Xuân năm Nhâm Tuất 1982”. Tấm thiệp có lẽ vô tình kẹp trong cuốn từ điển được nhân vật xưng “tôi” mua lại ở một tiệm sách cũ. Chủ nhân của tấm thiệp là ông Vương Công Hi, đang ở Đội 7K2, Trại cải tạo Z30C, Hàm Tân (Bình Thuận). Nội dung tấm thiệp ghi những lời nhắn nhủ của ông Hi gửi về cho vợ và những người con. Chính nét chữ mềm mại, nho nhã cùng những lời yêu thương của ông Hi khiến nhân vật xưng “tôi” cảm thấy bị cuốn vào câu chuyện gia đình ông, những mớ cảm xúc đan xen lẫn lộn nhưng rất thực.
“Còn tôi thì bị cuốn vào cả hai, vừa tấm thiệp xuân, vừa là câu chuyện có nhân vật Vương Công Hi ấy, vì cả hai đều rất thật. Nhà văn dù có tài tình đến đâu, họ cũng không thể hư cấu đến từng chi tiết chân thực đến vậy. Những lời lẽ trong tấm thiệp xuân thực sự là tâm sự thật của một con người. Đó thực sự là những lời gan ruột”, chị Quỳnh Anh tin tưởng.
Vì niềm tin kỳ lạ ấy mà chị Quỳnh Anh đã quyết định giữ lại tờ Báo Thanh Niên số 41, đặt vào tủ sách ở một góc mà chị hay lưu giữ những kỷ niệm trân quý. Chị dặn lòng nhất định sẽ đi tìm ông Vương Công Hi.
Lời hồi đáp sau hơn một phần tư thế kỷ 2

Nội dung tấm thiệp mừng xuân của ông Vương Công Hi được nhà văn Trần Huiền Ân lưu giữ qua hơn một phần tư thế kỷ

ẢNH: QUỲNH ANH

Ông Hi ở đâu…

Trong suốt 27 năm qua, chị Quỳnh Anh cũng không tự lý giải được vì sao cứ đau đáu với số phận của ông Hi, chủ nhân của tấm thiệp xuân trong một truyện ngắn. Chị thú thật, đó thực sự là nỗi trăn trở chung, ký ức chung của nhiều người, nhiều phận người trong những tháng năm lịch sử, những gia đình có người làm việc trong chế độ cũ phải đi cải tạo…
Trong nỗi trăn trở không nguôi đối với “nhân vật”, những lần có điều kiện sang Mỹ, đến những bang có đông người Việt sinh sống, chị Quỳnh Anh đều lân la dò tìm tung tích của ông Vương Công Hi… nhưng biệt vô âm tín vì thông tin quá mơ hồ. “Song dù ông cùng gia đình sướng khổ, buồn vui như thế nào đi nữa thì tôi cũng rất muốn tìm được ông, người chồng, người cha đã gửi gắm bao nhiêu yêu thương, nhắn nhủ vào tấm thiệp xuân cho vợ con trong những ngày khốn khó”… trích những dòng nhật ký của chị Quỳnh Anh.
Một ngày đầu tháng 5.2020, cơ duyên dẫn dắt chị đến với một group trên mạng xã hội có nhiều thành viên là người Sài Gòn xưa và người Việt sống ở hải ngoại. Chị đính kèm theo đó truyện ngắn Người chứng ít lời mà chị đã gõ lại từ Tuần báo Thanh Niên… Lạ lùng thay, chỉ mới 5 phút sau khi đăng dòng trạng thái thì đã có một người có nick là Vương Từ Minh bình luận: “Cảm ơn người post bài này. Ông Vương Công Hi là chú ruột tôi, hiện ở Houston, Texas (Mỹ). Cho tôi xin share bài này nhé! Cảm ơn nhiều!”. Chị Quỳnh Anh vỡ òa…
Lời hồi đáp sau hơn một phần tư thế kỷ 3

Ông Vương Công Hi (83 tuổi) từ Mỹ trò chuyện Facetime với chị Quỳnh Anh

ẢNH: QUỲNH ANH

Cũng ngay sau đó, ông Vương Từ Minh giúp chị kết nối với con gái ông Vương Công Hi. Qua câu chuyện, chị được tỏ tường về ông, đúng như chị hình dung về một ông giáo sư Việt văn (thầy dạy Việt văn cấp 2, 3) nho nhã, mực thước ở tuổi 83. Ông vẽ tấm thiệp xuân lưu lạc đó năm 1982. Một năm sau, ông được ra khỏi trại cải tạo. Ông đưa gia đình vào TP.HCM mưu sinh. Một ông giáo Việt văn không thể sống bằng nghề giáo nên phải làm đủ nghề, kể cả bán vé số để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Cứ như vậy đến chục năm sau, tức là năm 1993, ông sang Mỹ theo diện HO. Trùng hợp là khi ông đi hồi đầu năm thì cuối năm đó, truyện ngắn có câu chuyện của ông được đăng tải trên Báo Thanh Niên.
Con gái ông cho biết, ông Hi có biết chuyện này, nhưng vì lúc đó mới sang đến Mỹ, ông bị cuốn vào một cuộc mưu sinh mới nên không có thời gian tìm đọc… Chỉ biết rằng, cuộc ra đi và thân phận của những người như ông vẫn luôn là một phần của lịch sử đau thương của đất nước, dân tộc. Ông ngạc nhiên khi ông nhà văn xa lạ lại có những thấu cảm chạm vào tâm tư của con người ông, đã hiểu ông đến vậy, trăn trở vì ông đến vậy.
Lời hồi đáp sau hơn một phần tư thế kỷ 4

Tấm thiệp mừng xuân của ông Vương Công Hi được nhà văn Trần Huiền Ân lưu giữ qua hơn một phần tư thế kỷ

ẢNH: QUỲNH ANH

Hội ngộ qua mạng xã hội

Con gái ông Hi giúp chị Quỳnh Anh kết nối Facetime với ông và ngay trong cuộc điện thoại đặc biệt ấy, chị được hàn huyên nhiều giờ đồng hồ với nhân vật mà mình trăn trở suốt nhiều thập niên. “Trò chuyện với ông phải gợi nhắc từng chuyện một bởi ông có tuổi rồi, tôi thấy mình thực sự chạm tay vào lớp ký ức kỳ lạ nhất. Chính ông Hi cũng quá xúc động với những cảm xúc mà tôi gợi mở. Còn tôi thấy như mình vừa mang tặng cho thế hệ trước một món quà kỷ niệm ấm áp”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Ngay khi tìm được ông Vương Công Hi, chị Quỳnh Anh lại đi tìm nhà văn Trần Huiền Ân và thông tin cho ông biết về số phận một con người mà 27 năm trước ông từng trăn trở, hoài niệm. Bất ngờ thay, nhà văn Trần Huiền Ân cũng cho hay ông vẫn còn giữ tấm thiệp mừng xuân năm nào của ông Hi. Trong niềm vui mừng khôn xiết, chị Quỳnh Anh đã tiếp tục kết nối ông nhà văn năm xưa với “nhân vật” của mình, để món quà xuân lưu lạc được quay về với chủ cũ…
Có những điều thật sự kỳ lạ tồn tại cùng nhau trong suốt 27 năm qua mà không ai hay biết. Đó là khi một bạn đọc trung thành của Thanh Niên đã giữ khư khư bài báo của 27 năm trước chỉ vì một nhân vật truyện ngắn mà chị tin là có thật. Rồi một nhà văn gìn giữ, nâng niu suốt 27 năm những vật chứng lịch sử của những người xa lạ cùng thời mà ông trăn trở. Và một ông giáo già đã ra đi đến tận nửa vòng trái đất, bỗng một ngày của 27 năm về sau lại tìm được bọc ký ức được gói ghém, nâng niu từ những người vẫn luôn hoài vọng về những thân phận như mình… Bằng sự kết nối của công nghệ, họ tìm được nhau và chia sẻ những xúc cảm xưa cũ, chạm tay vào những kỷ niệm, những thần giao cách cảm bởi khi có niềm tin thì sẽ gặp lại dù sự hồi đáp đến tận sau hơn một phần tư thế kỷ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.